Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những biểu tượng văn hóa một thời của TP.HCM

Chọn những biểu tượng của di sản, văn hóa, nhà văn Phạm Công Luận và họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm tái hiện TP.HCM xưa trong sách tranh “Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ".

Bieu tuong TP.HCM xua anh 1

“Những tà áo dài thiếu nữ phất phới trên đường Nguyễn Huệ, Tự Do (nay là Đồng Khởi) một thời ở đây từng làm say đắm bao nhiêu khách bước chân lên bến. Văng vẳng bên tai họ là lời ca khúc của Y Vân: ‘Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…’. Điệu chachacha sôi động, rộn rã dù quá quen thuộc nhưng ở khoảnh khắc nào đó, nó nói lên rất nhiều với người mới đến về sự phóng khoáng, vui tươi và cởi mở của thành phố này”, tác giả Phạm Công Luận viết như vậy trong phần mở đầu sách.

Đó cũng là tinh thần bật lên từ Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ. Cuốn sách như một lời mời gọi bạn đọc khám phá những di sản, văn hóa, con người nơi thành phố bao năm qua vẫn giữ nét phóng khoáng, tươi vui.

Tái hiện những biểu tượng của thành phố

Cuốn sách được thực hiện từ tình yêu với thành phố của nhà báo, nhà văn Phạm Công Luận và họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm. Bạn đọc đã biết tới tác giả Phạm Công Luận với nhiều đầu sách về TP.HCM như: Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập), Sài Gòn, ngoảnh lại trăm năm, Những bức tranh phù thế… Còn với Lâm Nguyễn Kha Liêm, đây là ấn phẩm “chào sân” làng sách.

Yêu mến thành phố nơi mình sinh ra, lớn lên, họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm từ lâu đã muốn “vẽ một cái gì đó” để thể hiện di sản xưa bằng ngôn ngữ hiện đại. Yêu thích sách cũ, tờ nhạc cũ trong đó có ảnh minh họa, trong 5 năm qua, Kha Liêm đã sử dụng kỹ thuật đồ họa hiện đại vẽ những bức tranh về di sản, văn hóa và con người.

Ban đầu, Kha Liêm chỉ vẽ những gì anh thích, những công trình, văn hóa tiêu biểu của thành phố. Giữa năm 2021, Kha Liêm gặp nhà báo Phạm Công Luận, cả hai cùng hợp tác thực hiện sách. Họa sĩ được nhà báo Phạm Công Luân góp ý, dần hình thành cấu trúc sách để từ đó thêm, bớt tranh theo chủ đề mạch lạc.

Bieu tuong TP.HCM xua anh 2

Cuốn sách được in khổ lớn, tranh vẽ mang lại cảm giác choáng ngợp về cảnh sắc, di sản. Ảnh: K.L.

Trong ấn phẩm 284 trang màu, những bức tranh khổ lớn của họa sĩ Kha Liêm mang lại ấn tượng rực rỡ về thành phố hoa lệ.

Các bức tranh khắc họa tòa dinh thự, đền chùa, hội quán, phòng trà, rạp hát, đoàn cải lương, chân dung người nổi tiếng… Những dấu ấn sinh hoạt, công trình tôn giáo được họa lại tỉ mỉ, chi tiết.

Những bức tranh thể hiện kiến trúc chùa Khmer, đền Mariamman, tích Trung Hoa vẽ trên các xe mì cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa Sài Gòn với các nền văn hóa khác. Điều đó cũng cho thấy sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu tư liệu của họa sĩ.

Kha Liêm cho biết anh chọn khổ sách 42,5 cm x 20 cm theo ý tưởng màn ảnh đại vĩ tuyến, tạo cảm giác mỗi chủ đề nối tiếp nhau như trong một cuốn phim tua chậm. Nền giấy bóng mượt giúp các chi tiết, hoa văn phức tạp và các lớp màu sắc trong tranh được thể hiện rõ nét và sống động. Kha Liêm sử dụng cách vẽ chi tiết và mảng màu những năm 1960, phát triển từ tranh lập thể, nhưng mảng màu mạnh, tươi sáng hơn.

Nhà báo Phạm Công Luận cho rằng tranh của Kha Liêm là các tác phẩm đồ họa mang tính trang trí cao, vẽ công phu và chi tiết, bám sát thực tế. Ví dụ trang giấy hoa lót trang bìa lật vào trong, màu hồng của tranh quảng cáo tuồng cổ đúng màu giấy trước đây, cách vẽ bìa tờ tuồng cải lương, hình cô bé có má phính thường thấy trên xe nước mía...

Kha Liêm chú ý hiệu quả thị giác, chọn lọc các hình tượng tiêu biểu của từng bộ môn nghệ thuật, đời sống văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể của thành phố để thể hiện.

“Nhìn tranh, tôi biết Liêm có ý thức dùng ngôn ngữ hình ảnh và màu sắc để gợi nhớ những biểu tượng một thời. Độc giả ở lứa tuổi khoảng trên 50 trở lên từng sống ở TP.HCM trước đây sẽ bất ngờ nhận ra nhiều hình ảnh và màu sắc quen thuộc mà các thế hệ sau này và người từ nơi khác đến khó nhận ra”, nhà báo Phạm Công Luận đánh giá.

Bieu tuong TP.HCM xua anh 3

Một số trang trong sách. Ảnh: K.L.

Thôi thúc giới trẻ tìm hiểu di sản

Từng được độc giả yêu mến qua nhiều cuốn sách về TP.HCM, ở ấn phẩm này, nhà báo Phạm Công Luận tham gia phần lời, viết về những biểu tượng nổi bật ở các lĩnh vực của thành phố từ cách nay nửa thế kỷ đổ về trước.

Đó là những biểu tượng về kiến trúc với các tòa nhà cổ kiểu thuộc địa và các ngôi nhà thờ, đền, chùa, lăng, các hội quán của người Hoa trong Chợ Lớn, là các nghệ sĩ ca nhạc và sân khấu, các vở tuồng đình đám một thời, các phong tục nổi bật, các khu phố nhiều người biết…

Qua ngòi bút của ông, những di sản kiến trúc một thời, các điểm đến tâm linh, những phương tiện giao thông, minh tinh một thuở, cảnh sinh hoạt đời sống phong phú… từng ghi dấu trong ký ức của nhiều người lần lượt được phục dựng.

Lần đầu tiên tham gia một cuốn sách tranh (art book), cảm xúc của tác giả Phạm Công Luận khác hẳn với những cuốn cùng chủ đề nhưng thiên về khảo cứu, ôn lại kỷ niệm hoặc mô tả cảm xúc trước những thay đổi của thành phố mà ông thực hiện trước đây.

Bieu tuong TP.HCM xua anh 4

Một trang sách. Ảnh: K.L.

Khi nhà báo Phạm Công Luận tham gia thực hiện sách, họa sĩ Kha Liêm đã vẽ được 4/5 tranh trong dự án. Ông bàn với họa sĩ sắp xếp bố cục cuốn sách gọn gàng hơn, tránh trùng lặp, phân chia từng nhóm tranh theo khu vực dân cư và nhóm đề tài để dễ theo dõi. Phạm Công Luận cũng biên tập lại một số chi tiết trong tranh, đề nghị bỏ vài bức tranh và vẽ bổ sung một số tranh khác.

Cả nhà báo Phạm Công Luận và họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm đều cho rằng họ có thể làm tốt hơn ở cả phần lời và tranh nếu có thêm thời gian. Họa sĩ Kha Liêm cho biết anh tiếp tục vẽ để giới thiệu các biểu tượng văn hóa, xã hội thành phố mà anh yêu mến.

Theo nhà báo Phạm Công Luận, một thời gian dài chúng ta thiếu vắng những cuốn sách đi sâu vào cuộc sống đời thường của người dân thành phố từ trăm năm qua. Nhiều thành tựu các mặt văn hóa nghệ thuật được mô tả phiến diện, không đáp ứng được mọi người.

Các di sản kiến trúc hiển hiện trên các đường phố chỉ được mô tả qua các cuốn sách chuyên môn và không đầy đủ; chưa kể in ấn không đẹp, ít hình ảnh. Nên khi dòng sách văn hóa, di sản xuất hiện, được in đẹp, sử dụng tranh ảnh nhiều trở nên cuốn hút, lấp đi khoảng trống lâu nay mà độc giả có nhu cầu tìm hiểu.

Ấn phẩm của nhà báo Phạm Công Luận và họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm góp vào dòng sách về văn hóa đô thị đang được ưa chuộng hiện nay. Điều đó cũng thôi thúc bạn đọc, nhất là lớp trẻ, tìm về những vẻ đẹp, di sản của mảnh đất mình đang sống.

Những ngày không quên của tác giả Phạm Công Luận

Tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ dành cho mảnh đất Sài thành, mới đây, tác giả Phạm Công Luận cho ra mắt tập tản văn “Với ngày như lá, tháng như mây”.

'Người Sài Gòn yêu đời, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn'

Nhà báo Phạm Công Luận cho rằng đặc trưng của thị dân phương Nam là yêu đời nên yêu người, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó. Họ giữ giá trị từ xưa là "kiến nghĩa" không "bất vi".

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm