Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngày không quên của tác giả Phạm Công Luận

Tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ dành cho mảnh đất Sài thành, mới đây, tác giả Phạm Công Luận cho ra mắt tập tản văn “Với ngày như lá, tháng như mây”.

“Khi đọc lại bản thảo cuốn sách này, tôi nhớ nhiều nhất về những năm tuổi 30 của mình. Đó là thập niên 1990 đầy hạnh phúc, khi bản thân còn đang căng tràn tuổi trẻ, sức lực và niềm vui sống”, tác giả Phạm Công Luận mở đầu cuốn sách mới lên kệ của mình.

Nhắc tới cây bút này, người đọc nhớ ngay đến những tựa sách best-seller như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn... hay các tập sách về TP.HCM như bộ Sài Gòn - Chuyện đời của phố, Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm

Tập tản văn Với ngày như lá, tháng như mây (Phương Nam Books liên kết Nhà xuất bản Thế Giới phát hành) ra mắt đúng dịp Tết Nguyên đán 2022, là sự tiếp nối mạch nguồn cảm xúc, tình yêu và sự gắn bó của ông với thành phố mang tên Bác.

Pham Cong Luan anh 1

Sách Với ngày như lá, tháng như mây. Ảnh: Phương Nam Books.

Cuộc du hành trong tâm tưởng

Cuốn sách gồm 30 tản văn. Mỗi bài viết đều chứa đựng một cuộc du hành trong tâm tưởng của tác giả, cứ thế đưa người đọc trôi về thời xa vắng của mảnh đất Sài thành trên dưới nửa thế kỷ trước, từ khi ông còn là một cậu bé.

Tác giả mở đầu cuốn sách bằng những dòng hồi tưởng về một thời hồn nhiên, êm đềm với không khí đón Tết của thập niên 1990 rộn rã, sung túc. Đó cũng là những năm tháng gặp bạn bè bên ly cà phê và biết bao câu chuyện thời đi học không thể nào quên.

Dưới quan sát của ông, thành phố đang chuyển mình. Cùng với đó, thời trang đã quay trở lại trên đường phố Sài thành, những con đường nhộn nhịp quán xá, tiệm sửa xe máy, các cây xăng, rạp chiếu phim, sân khấu nhỏ, nhà hát lớn đều hoạt động tưng bừng.

Tiếp tục dạo một vòng, tác giả miên man trong hồi ức về những ngày tháng đi viết bài và chụp ảnh ở từng con phố, để rồi dội lại trong tâm khảm ông là “những mùi hương sâu đậm đánh thức bao nhiêu kỷ niệm trong một chặng dài cuộc đời vẫn còn thoảng đâu đây”.

Đọc từng tản văn, ta thấy được quá khứ là một hiện thực luôn sống động trong hồi ức tác giả. Do đó, tập tản văn không chỉ kể lại kỷ niệm riêng tư về tuổi thơ êm ấm, mà còn lồng ghép, đan cài trong đó những câu chuyện rất “đời” về tình người gần gũi, khó quên.

Với cuốn sách này, cây bút Phạm Công Luận vẫn giữ được sự kết hợp giữa cảm xúc tự nhiên và nguồn tư liệu phong phú.

Tác giả chia sẻ tập tản văn lần này không chỉ là “tấm vé du hành về một thời quá vãng”, mà còn mang đến cho ông cơ hội tái ngộ cùng họa sĩ tài hoa Đức Lâm sau nhiều năm. Đây cũng là người đã vẽ bìa và tranh minh họa trong cuốn sách.

Pham Cong Luan anh 2

Nhà báo Phạm Công Luận. Ảnh: NVCC.

Niềm vui bên những cuốn sách

Những trang viết thấm đẫm kỷ niệm trong cuốn sách khơi gợi lại niềm hoài nhớ của một cộng đồng không nhỏ những người gắn bó với TP.HCM, giúp các độc giả mai sau lần tìm về quá khứ.

30 tản văn trong sách đều kể về những ký ức trên từng con phố cùng hình ảnh, câu chuyện con người xứ Nam thuở trước. Một số tản văn có thể kể đến như: Quá khứ vẫn chưa trôi qua, Hoa trong tâm tưởng, Đồng tiền tuổi nhỏ, Thầy cô của ngày xưa, Tết của một thời…

Điều đặc biệt là trong ấn phẩm này, tác giả dành nhiều bài viết nói về sách: Thiên đường sách, Nơi đầm ấm với sách và cà phê, Cuốn sách dẫn đường, Thời về sách mỹ thuật, “Sách tưởng nhớ” về một nhà báo Sài Gòn xưa

Hồi tưởng về quá khứ, song tác giả vẫn không quên liên hệ với thực tại. Theo quan sát của ông, sách mới ra rất nhiều, nội dung và thể loại đa dạng; tạp chí và sách ngoại văn cũng có sự bùng nổ; “những con đường Sài Gòn - Gia Định buồn hiu của thời bao cấp lại nhộn nhịp quán xá, tiệm sách cũ mới”.

Ông nhớ lại hồi nhỏ khi lê la từ nhà này sang nhà khác, chỉ mong tìm được cuốn sách nào đó để mượn về đọc. Tuổi thơ đó, sách mang đến niềm vui, giúp ông vượt qua bao buồn tẻ trong cuộc sống và tạo nên những gì ông đang có.

Tác giả cũng chia sẻ có ba nhà văn mà ông thích đọc cuộc đời nhiều hơn văn chương của họ: Ernest Hemingway, Nhất Linh và Nguyễn Hiến Lê. Ông ngưỡng mộ nhà văn Ông già và biển cả vì sự cuốn hút và đa dạng đề tài trong sự nghiệp văn chương.

“Nhiều cuốn chỉ đọc tự thôi đã thấy mê như Những ngọn đồi xanh châu Phi, Hội hè miên man, Bên con sông và dưới vòm lá cây… Đàn ông nào hồi còn trẻ cũng muốn được như Hemingway, đẹp trai, viết hay, lang bạt khắp nơi và có những mối tình sôi nổi”, tác giả lý giải.

Theo tác giả, điều đáng ghi nhận là vị thế của sách báo đã được trân trọng từ rất lâu. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, phải ở nhà thường xuyên, ông thấy mình và cả nhà có thói quen đọc sách nhiều hơn.

“Trong trạng thái nhàn tản và quấn quýt bên những người thân yêu, chúng tôi cùng nấu ăn, dọn dẹp nhà và lục lọi tủ sách do bận bịu không viếng thăm thường xuyên, thấy có nhiều cuốn sách mua ở các chuyến đi chưa kịp đọc”, tác giả kể.

Trong cái tĩnh mịch của xóm nhỏ đang phải cách ly, ông nhắc đến câu viết của nhà văn Argentina - Jorge Luis Borges - cho con trai: “Tôi luôn luôn tưởng tượng rằng Thiên đường sẽ giống như một thư viện” và rồi ông tìm được niềm vui bên trang sách khi con trai ông mỉm cười đáp lại: “Ngược lại, chúng ta có thể tưởng tượng rằng thư viện giống như một Thiên đường, phải không?”.

‘Chú bé Thất Sơn’ tái xuất với diện mạo mới

Cuốn sách hư cấu duy nhất của tác giả Phạm Công Luận vừa ra mắt độc giả với diện mạo mới, kèm nhiều hình ảnh minh họa.

Nhìn lại văn hóa Sài Gòn 100 năm qua

Từ những tư liệu có được, nhà báo Phạm Công Luận viết về văn hóa, con người, đời sống của vùng đất Sài Gòn trong 100 năm qua.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm