Chú bé Thất Sơn là tác phẩm nổi tiếng của tác giả, nhà báo Phạm Công Luận. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1993, đoạt giải C cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ nhất, do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.
Phương Nam Books sẽ vẽ bìa mới, in 88 trang màu và nhiều hình ảnh minh họa đặc sắc, phù hợp nội dung tác phẩm. Sách vừa lên kệ, hứa hẹn là món quà ý nghĩa cho các em nhỏ trong dịp nghỉ hè giãn cách.
Chú bé Thất Sơn tái xuất với bìa mới. Ảnh: Phương Nam Books. |
“Cách đây đúng 30 năm, tôi lần đầu đặt chân đến thị xã Châu Đốc và được nghe kể về một em bé bị đuối nước dưới dòng kinh xanh. Về TP.HCM, hình bóng những em bé lội bộ trên cánh đồng xanh khiến tôi không khỏi ngẫm nghĩ. Trong vòng một tháng sau chuyến đi, tôi ngồi vào bàn và viết cuốn truyện nhỏ Chú bé Thất Sơn”, tác giả Phạm Công Luận chia sẻ.
Chú bé Thất Sơn kể về chuyến nghỉ hè sớm, bỏ lại thành phố với bao trò chơi điện tử, sách báo để về thăm quê ngoại của hai chị em Nam và Thảo. Dịp này, hai chị em gặp được Siêng - “thổ địa” nhỏ của vùng Thất Sơn.
Theo bước chân Siêng, cậu bé Nam được khám phá một thế giới mới với nhiều điều thú vị. Nơi ấy có đồng ruộng bao la, dòng kinh Vĩnh Tế mát lành, vị cá nướng trui thơm lừng, món khoai mì rẫy ngọt bùi… và nhiều chuyện ly kỳ của vùng đất Bảy Núi.
Chú bé Siêng mồ côi, tối ngủ nhờ chòi vịt, ngày chăn trâu kiếm từng bữa cơm, nhưng vẫn cố bám trường lớp, theo đuổi bài vở hàng đêm. Khi số phận tiếp tục thử thách, Siêng làm mất trâu, bị đánh đập, chèn ép, chú bé vẫn cố gắng từng chút nhích về tương lai.
Tác giả Phạm Công Luận đánh giá, mỗi bức tranh minh họa trong lần tái xuất này đều phù hợp với nội dung câu chuyện. Ảnh: Phương Nam Books. |
Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tự nhiên, từng câu chữ trong Chú bé Thất Sơn đong đầy xúc cảm về một vùng quê nghèo, man mác buồn, khơi gợi một thời tuổi thơ lưu giữ của riêng tác giả Phạm Công Luận.
Chú bé Thất Sơn thuộc thể loại văn học thiếu nhi, nhưng cũng khiến người trưởng thành phải trầm tư. Điều đó được thể hiện qua những dòng suy nghĩ chín chắn về nghĩa tình, nỗ lực vượt khó của những em bé vùng quê, đem đến cho người đọc bài học sâu sắc về tình người, tình yêu quê hương.
Tác giả, nhà báo Phạm Công Luận là cây bút của nhiều cuốn sách ở Việt Nam. Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Nếu biết trăm năm là hữu hạn (viết cùng người bạn đời Đặng Nguyễn Đông Vy, lấy bút danh Phạm Lữ Ân), Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Những bức tranh phù thế, bộ sách 5 cuốn Sài Gòn - Chuyện của đời phố, hay Đường phượng bay...