Phạm Công Luận (còn có bút danh Phạm Lữ Ân) là một cây bút chuyên viết về Sài Gòn được yêu thích. Qua bộ sách 5 cuốn Sài Gòn chuyện đời của phố và cuốn biên khảo Sài Gòn phong vị báo xuân xưa, bao câu chuyện thú vị của những nhân vật, góc phố, hàng cây được kể đều mang dấu ấn văn hóa. Cho tới tập 5 của Sài Gòn chuyện đời của phố, ngỡ rằng thành phố trẻ 300 tuổi đã không còn nhiều câu chuyện, dấu ấn thú vị để kể.
Nhưng dịp Tết này, Phạm Công Luận tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách mới về Sài Gòn. Tập tản văn Những bức tranh phù thế mang lại ký ức của một thời quá vãng về Sài Gòn gắn với bao chuyện đời, thăng trầm, biến động của thời cuộc.
Sách Những bức tranh phù thế. |
Viết tản văn về các đô thị như Hà Nội, Sài Gòn trở thành một trào lưu vài năm gần đây. Trong bức tranh chung ấy, tản văn của Phạm Công Luận tạo được sự hấp dẫn khi hòa trộn hồi ức riêng tư cá nhân với hồi ức chung của thành phố. Tác giả để tự sự cá nhân góp lời trong tự sự của một thành phố.
“Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những điều hay và dở, những điều mạnh mẽ lẫn yếu đuối trong tính cách không dứt bỏ được. Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương, vì sao gắn bó với xóm giềng, cây cỏ, thời tiết, khí hậu chung quanh khi tất cả đã dần biến dạng. Và vì sao, luôn cố gắng truyền cho con một điều gì đó của quá khứ, dù các con thật ra đang sống để hình thành một quá khứ cho tương lai của các con. Đó là mật mã để gắn kết các thế hệ, mà nhiều khi ta mong muốn truyền đi như một thứ bản năng có sẵn. Có lẽ đó là lý do các cụ già thích kể chuyện xưa”, Phạm Công Luận viết.
Bên cạnh những bài viết về cuộc sống thành phố này ở nhiều góc cạnh, những câu chuyện gia đình hay của chính tác giả tuy mang tính riêng tư nhưng luôn có những góc nhìn độc đáo, giàu tư liệu, nhiều chi tiết đắt giá từ đôi mắt quan sát của một người sống ở thành phố này.
Nhiều bài viết khiến người đọc cảm thấy như tác giả viết về chính mình, về gia đình mình. Có lẽ vì thế, các cuốn sách về Sài Gòn của Phạm Công Luận dù mang tới nhiều thông tin, tư liệu quý, lại vừa có tính trữ tình, tinh tế.
Những bức tranh phù thế nằm trong không khí chung của bộ sách Sài Gòn chuyện đời của phố. Nhưng ở tác phẩm mới nhất, tác giả đi sâu hơn vào cuộc tìm kiếm những giá trị đã hay đang đe dọa bị biến mất của Sài Gòn.
Qua trang sách của Phạm Công Luận, một Sài Gòn hiện diện mạnh mẽ dưới ánh sáng nhiệt đới như là kinh đô của một thời và tới nay vẫn còn là thành phố hiện đại bậc nhất của Việt Nam.