Vào năm Kỷ Hợi cách đây tròn 18 vòng hoa giáp, tức năm 939, đánh dấu mốc đầu tiên của quá trình tự chủ của nước ta, đó là việc Ngô Quyền xưng vương.
Bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển V, chép: “Kỷ Hợi, (939), mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”.
Toàn thư cũng viết về tiểu sử vua Ngô Quyền: “Vua họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội), đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu. Khi vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc; làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ gả con gái và cho quyền quản Ái Châu. Đến đây giết Kiều Công Tiễn, tự lập làm vương, đóng đô ở Loa Thành”.
Sang thời Tiền Lê, vào năm Kỷ Hợi – 999, vua Lê Hoàn cũng lập nên chiến công khi đánh dẹp 49 động ở vùng núi giáp Lào. Toàn thư viết: “Vua thân đi đánh Hà Động (tức động Hà Man, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), tất cả 49 động và phá được động Nhật Tắc, châu Định Biên. Từ đó các châu động điều quy phục”.
Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, có ghi mỏ vàng ở Định Biên, tỉnh Cao Bằng, nên đời sau suy luận châu Định Biên mà Toàn thư chép là ở vùng này. Bản dịch cũ sách Toàn thư thì cho rằng châu Định Biên cũng ở vùng thượng du Thanh Hóa.
Sang thời Lý, vào đời Lý Thánh Tông, năm Kỷ Hợi - 1059, quân nhà Lý đã có trận đánh sang châu Khâm (Quảng Tây, Trung Quốc) của nhà Tống. Toàn thư viết: “Mùa xuân, tháng 3, đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc”.
Dù Toàn thư ghi chép sơ lược, thì sử sách sau này có giải thích, nguyên nhân của chiến dịch này là do sự thù địch của viên quan Tri châu tên là Tiêu Chú đối với Đại Việt. Tiêu Chú thường xuyên cho người chiêu dụ những tù trưởng biên giới nước ta bỏ Việt theo Tống, ngầm ngầm nuôi bọn du đãng để chống phá Đại Việt và thường dâng thư về triều Tống khuyên gây chiến.
Đến đời Trần, sau hai lần đem quân sang đánh Đại Việt thất bại vào các năm 1258 và 1285, đến mùa Xuân năm Đinh Hợi – 1287, nhà Nguyên đã kén lấy 7 vạn quân, 500 chiếc thuyền, 6 nghìn quân Vân Nam, và 1,5 vạn quân ở 4 châu khác sang xâm lược Đại Việt.
Tuy nhiên, ngay từ trước khi quân Nguyên mới vào xâm lấn, Hưng Đạo vương đã nói một câu tiên tri “Năm nay đánh giặc nhàn”. Và dưới tài điều binh khiển tướng của Vương và hai vua Trần, quân và dân Đại Việt đã khéo léo vận dụng chiến thuật tránh mạnh đánh yếu để giáng cho quân Nguyên những đòn đau tan tác.
Chiến thắng Vân Đồn cuối năm 1287 của Trần Khánh Dư đã tạo tiền đề cho chiến thắng Bạch Đằng diễn ra vào mùa xuân năm sau, đuổi quân Nguyên về nước. |
Tháng 12 năm Đinh Hợi – 1287, đã diễn ra trận Vân Đồn nổi tiếng, tướng Trần Khánh Dư đã tiêu diệt gọn đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy, bắt được quân lương khí giới, binh lính của giặc nhiều không kể xiết. Trận thắng này đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến, khiến quân Nguyên thiếu lương thực đã phải tìm cách rút lui rồi bị Hưng Đạo vương đánh gục hoàn toàn trong trận Bạch Đằng tháng 3 năm sau, năm 1288.
Năm Tân Hợi – 1311, vào cuối năm, đời vua Trần Anh Tông, nhà vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Toàn thư chỉ ghi nguyên nhân “vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc”. Bộ sử triều Nguyễn Khâm Định việt sử thông giám cương mục viết chi tiết hơn: “Huệ Võ vương Trần Quốc Trấn dẫn quân đi đường núi, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đi đường biển, còn nhà vua tiến quân theo đường bộ, ba đạo quân cùng tiến, cử Đoàn Nhữ Hài làm chức Chiêu dụ sứ đi trước”.
Trong chiến dịch đó, vào tháng 5 năm sau, quân Trần đã bắt được Chế Chí đem về An Nam, phong cho em là Chế Đà A Bà làm vua Chiêm Thành.
Qua thời Lê, một sự kiện quan trọng diễn ra trong năm 1419, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mới bước sang năm thứ hai. Tháng 4 năm đó, quân khởi nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi thắng trận đánh đồn Nga Lạc ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa hiện nay, bắt được chỉ huy quân Minh là Nguyễn Sao đem chém.
Tuy nhiên sau đó, quân Minh phản công, nghĩa quân Lam Sơn quân ít không địch lại phải rút về ẩn náu ở núi Chí Linh tại vùng Lang Chánh, Thanh Hóa. Bị giặc vây kín, Bình Định vương hỏi các bầy tôi: "Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?". Trong các tướng chẳng ai dám đáp ứng cả, riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện khoác áo của Bình Định vương để dẫn quân ra khiêu chiến.
Quân Minh bao vây, bắt được Lê Lai, giết chết ông rồi rút về thành Tây Đô. Nhờ đó, Bình Định vương dẫn quân thoát được vòng vây và có thời gian tuyển mộ, huấn luyện quân sỹ, để sau đó đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi. Sau khi lên ngôi, xét công lao của Lê Lai, Lê Thái Tổ truy phong ông là Công thần hạng nhất, trọng dụng con cháu, lại lệnh cho hậu duệ muôn đời thờ cúng Lê Lai.
Đến đời Lê Thánh Tông, năm Kỷ Hợi - 1479, có tù trưởng xứ Bồn Man làm phản, xui người Lão Qua đem quân quấy nhiễu miền Tây nước ta. Vua Thánh Tông sai quan Thái uý Lê Thọ Vực, cùng với các tướng Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân Hiếu đem 5 đạo quân từ Nghệ An, Thanh Hoá sang đánh đuổi quân Lão Qua đến biên giới Miến Điện, quân ta toàn thắng.