Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm về mạch ngầm văn hóa truyền thống

Với dung lượng 330 trang, "Giải mã văn hóa Việt" viết về hình tượng quen thuộc, như: Cây tre, cây cau, cây ngô đồng... cho tới những câu chuyện trao truyền nghìn đời.

Van hoa Viet anh 1

Sách Giải mã văn hóa Việt. Ảnh: Mai Hà.

Tác giả cuốn sách nguyên là Trưởng khoa Văn hóa du lịch (nay là Khoa Du lịch), Đại học Văn hóa Hà Nội. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, PGS.TS Dương Văn Sáu hiểu được sự khó khăn của sinh viên trong quá trình học tập, bởi không phải ai cũng có cơ duyên gắn bó với văn hóa truyền thống từ thuở bé.

Bản thân văn hóa truyền thống trước biến thiên lịch sử và thời đại nên một số phong tục, biểu tượng, hình ảnh bị mai một, lãng quên trong đời sống đương đại. Do vậy, PGS.TS Dương Văn Sáu đã lựa chọn hướng đi “giải mã văn hóa” để tìm về và kiến giải văn hóa truyền thống thông qua những con số, câu chuyện văn hóa, các địa danh, kiến trúc truyền thống và hình tượng các linh vật trong văn hóa Việt.

Với dung lượng 330 trang, Giải mã văn hóa Việt viết về hình tượng quen thuộc, như: Cây tre, cây cau, cây ngô đồng... cho tới những câu chuyện trao truyền nghìn đời như câu chuyện Hùng Vương, những hình tượng kiến trúc phong thủy phức tạp như kiến trúc bình đồ. Mỗi bài viết đều chứa đựng sự phân tích sắc sảo trên nhiều góc độ, nhiều phương diện, cốt khơi gợi “mạch ngầm” văn hóa truyền thống.

Điều thú vị ở cuốn sách là mỗi hiện tượng hay hình tượng văn hóa truyền thống được nghiên cứu đều liên hệ thực tế. Trước hết, tác giả làm rõ được giá trị văn hóa nằm trong một hiện tượng, hình tượng cụ thể và khẳng định giá trị đó khi gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người và xã hội. Chẳng hạn, hình tượng con gà gắn với thương hiệu các nhà hàng “gà Mạnh Hoạch” nhan nhản hiện nay. Điều này được phát triển dựa trên chính quan điểm của tác giả khi cho rằng: “Văn hóa là thuộc về con người, gắn bó với con người trên mọi không gian và thời gian trong dòng chảy của cuộc sống. Do vậy, văn hóa cũng vô tận như sự vô tận của đời sống con người”.

Điểm đáng lưu ý của cuốn sách là đa phần việc lý giải rất ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu. Điều này không chỉ phù hợp cho đối tượng sinh viên, tạo hứng thú học tập, ứng dụng trong công việc liên quan đến văn hóa du lịch về sau; trên hết còn giúp cho đông đảo độc giả có mong muốn bước đầu tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc.

Giải mã văn hóa Việt là một cuốn sách tâm huyết của PGS.TS Dương Văn Sáu trên hành trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống, cội nguồn tri thức dân tộc. Những góc nhìn và luận bàn của cuốn sách đã góp phần tích cực trong việc trao truyền và gìn giữ nền tảng văn hóa, vốn là nguồn sức mạnh của mỗi đất nước. Qua đó thúc đẩy văn hóa, quảng bá văn hóa, du lịch phát triển, vốn như mong muốn của tác giả khi viết nên ấn phẩm này.

Hình tượng tiên nữ trong văn hóa Việt Nam

Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ra đời cuốn sách "Hình tượng tiên nữ" của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May.

Văn hóa cỗ bàn của người Việt

Ăn cỗ là một tập tục văn hóa cộng đồng của người Việt xoay quanh những hội hè, giỗ chạp hay cưới xin. Đi ăn cỗ, cũng là đi sinh hoạt cộng đồng vậy.

https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/tim-ve-mach-ngam-van-hoa-truyen-thong-718284

Quang Trường/Quân Đội Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm