Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 12/1 cảnh báo về "nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu", sau khi các cuộc đàm phán về khủng hoảng Ukraine giữa liên minh này và Nga kết thúc mà không có bước tiến triển mới, Guardian đưa tin.
“Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất nghiêm túc và trực tiếp về tình hình ở Ukraine, cùng những tác động đối với an ninh châu Âu”, ông Stoltenberg nói.
Ông cho hay sự khác biệt giữa hai bên không dễ dàng thu hẹp nhưng cuộc hội đàm là một dấu hiệu tích cực, cho thấy tất cả thành viên NATO và Nga đã cùng ngồi lại và bàn bạc các chủ đề quan trọng”.
Dù vậy, ông thừa nhận một cuộc xung đột mới có thể xảy ra và cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu sử dụng vũ lực quân sự.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (thứ hai từ trái sang) gặp mặt quan chức Mỹ và Nga trong hội đàm. Ảnh: Reuters. |
Ngược lại, trong cuộc đàm phán kéo dài 4 tiếng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Moscow sẽ thực hiện các bước quân sự nếu các biện pháp chính trị không đủ để "vô hiệu hóa các mối đe dọa" mà nước này phải đối mặt.
Ông Grushko cho biết ông đã nói với các đại diện của NATO rằng “tình hình trượt dài hơn nữa có thể dẫn đến những hậu quả khó lường nhất và nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu”.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin chia sẻ quan hệ giữa nước này với NATO đang ở "mức cực kỳ thấp", trong khi một quan chức Bộ Ngoại giao nói rằng "không có chương trình nghị sự tích cực nào".
Trưởng phái đoàn Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cho biết Điện Kremlin vẫn tiếp tục đưa ra yêu cầu chấm dứt tham vọng mở rộng của NATO và rút quân khỏi các nước thuộc Liên Xô cũ.
Theo bà Sherman, những đề xuất đó vẫn không được Mỹ và tất cả thành viên NATO chấp thuận.
“Về cơ bản, chúng tôi đang nói với Nga rằng chúng tôi không thể bắt đầu với một số thứ nước này đặt lên bàn đàm phán", bà nói.
Cuộc họp Hội đồng NATO - Nga sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 13/1. Sau đó, tất cả sẽ quay trở về nước để các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định có nên tiếp tục ngoại giao hay không.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cũng nhận định Nga có thể tiến hành một chiến dịch chống lại Ukraine sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao kết thúc trong tuần này.
Ông dự đoán Điện Kremlin có nhiều khả năng phát động một cuộc chiến tranh hỗn hợp, bao gồm các cuộc tấn công mạng, cũng như tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng.