Nếu như tại Washington, Tổng thống Donald Trump đã quá quen với việc được các thành viên đảng Cộng hòa và thậm chí là giới doanh nhân chào đón niềm nở, thì trong 3 ngày qua tại New York, ông đã liên tục bị lãnh đạo các nước công khai lên án chính sách đối ngoại “nước Mỹ trước tiên”.
Những chỉ trích này chủ yếu nhằm vào căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang, về những động thái cứng rắn của ông Trump đối với Hiệp định hạt nhân Iran và thậm chí là những vấn đề không còn quá mới mẻ như người nhập cư. Tuy không gây bất ngờ nhưng việc lên án vị tỷ phú New York này lại có sức tấn công mạnh mẽ vì mang tính đối đầu trực tiếp trước sự theo dõi của toàn thế giới.
Tổng thống Donald Trump trong phiên họp của Liên Hợp Quốc ngày 26/9. Ảnh: AP |
Từ chỉ trích của đồng minh
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà ông Trump chủ trì vào ngày 26/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án chính sách đối ngoại của Mỹ và nêu lên hàng loạt bất đồng trong các vấn đề Iran, hòa bình Trung Đông và biến đổi khí hậu.
Ông Macron khẳng định rằng trái ngược với Mỹ, Pháp và các cường quốc khác vẫn đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy các thỏa thuận phi hạt nhân hóa của nước này.
"Sẽ không thể giải quyết được vấn đề chỉ bằng các lệnh trừng phạt. Chúng ta cần xây dựng một chiến lược dài hạn để xử lý cuộc khủng hoảng", ông Macron nói.
Phát biểu của ông Macron được đưa ra một ngày sau khi lãnh đạo Pháp tuyên bố rằng nước này sẽ không ủng hộ hợp tác thương mại với các quốc gia không ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - một tín hiệu rõ ràng nhằm loại trừ Mỹ vì ông Trump đã rút khỏi hiệp định này từ năm ngoái.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay Tổng thống Bolivia Evo Morales tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/9. Ảnh: AP |
Ngay cả những đồng minh trước đây như Canada cũng giữ khoảng cách với Mỹ. Hai quốc gia láng giềng đã vướng vào căng thẳng thương mại kể từ cuộc họp của các nước G7 diễn ra hồi tháng 6 tại Canada và không hề có tín hiệu khởi sắc cho tới hiện tại.
Người phát ngôn của ông Trudeau, Chantal Gagnon, cho hay tại kỳ họp lần này đã "không có đề nghị gặp gỡ nào” giữa hai bên và “chúng tôi sẽ không bình luận thêm về việc này".
Trong khi một vài nước nhỏ như Cộng hòa Guinea Xích đạo ở Trung Phi đã tận dụng cơ hội hiếm hoi để bày tỏ sự ủng hộ với Mỹ, thì quốc gia Nam Mỹ Bolivia lại thẳng thắn lên án ông Donald Trump trên nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Bolivia Evo Morales, vốn từ lâu luôn lên tiếng chỉ trích Mỹ, đã không ngần ngại cáo buộc rằng Mỹ đã can thiệp cuộc đảo chính Iran năm 1953, sự thất bại tại Trung Đông - Bắc Phi và những hậu quả mà Mỹ để lại tại Iraq hay Libya.
Ông Morales thậm chí còn nhắc lại chính sách chia rẽ gia đình những người nhập cư của Tổng thống Trump. "Mỹ đã không hề quan tâm đến quyền con người hay công lý", ông Morales nói.
Đến sự mỉa mai của "đối thủ"
Ngoài những lời chỉ trích gay gắt, ông Trump còn phải đối mặt với thái độ lạnh lùng và tràng cười châm biếm từ các nhà lãnh đạo thế giới.
Khi tổng thống Mỹ lên án Đức về vấn đề đường ống dẫn dầu tới Nga trong một bài phát biểu vào ngày 25/9, máy quay đã ghi lại được khoảnh khắc các đại diện người Đức nhếch miệng cười. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng chỉ lạnh lùng đáp trả bằng một cái nhún vai sau khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 26/9. Ảnh: Xinhua |
Theo Politico, đáng chú ý là phản ứng của Đại hội đồng khi ông Trump tự ca ngợi bản thân và khoe khoang về những thành tựu của mình trong bài phát biểu hôm 26/9.
"Trong chưa đầy hai năm, chính quyền của tôi đã đạt được nhiều thành tựu hơn hầu hết bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử đất nước", ông Trump nói trong khi Đại hội đồng cười lớn.
“Đó là sự thật,” ông tiếp tục,"tôi đã không mong đợi phản ứng này, nhưng cũng không sao". Phần cuối của bài phát biểu chỉ được đáp lại bằng sự im lặng và một vài cái vỗ tay rời rạc.
Tuy hứng chịu nhiều đòn chỉ trích nhưng Tổng thống Trump dường như không mấy để tâm.
"Họ không muốn chúng tôi giành chiến thắng vì tôi là tổng thống đầu tiên thách thức Trung Quốc về thương mại," Trump nói. “Và chúng tôi đang chiến thắng. Chúng tôi đang chiến thắng ở mọi cấp độ. Chúng tôi không muốn họ gây rối hoặc can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của chúng tôi”, ông Trump nói.
Mặc dù đã cố gắng mở rộng chương trình nghị sự bao trùm toàn bộ vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thay vì chỉ công kích Iran như đã định, Tổng thống Trump vẫn không tìm được tiếng nói chung trong các bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Chính sách đối ngoại “một mình một kiểu” đang khiến Mỹ dần bị cô lập, viễn cảnh hoàn toàn khác với tuyên bố trước đó của giới quan chức nước này cho rằng “nước Mỹ trên hết không có nghĩa là nước Mỹ một mình”.
Tổng thống Donald Trump tại kỳ họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Ảnh: Reuters |
Kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là sự kiện thường niên diễn ra vào tháng 9 hàng năm, nơi các nhà lãnh đạo của 193 nước trên thế giới nhóm họp để thảo luận về các vấn đề toàn cầu. Kỳ họp lần thứ 73 đang diễn ra tại New York, Mỹ từ ngày 24/9.
Mặc dù sự kiện được tổ chức ngay trên chính quê nhà của mình, Tổng thống Trump lại tỏ thái độ khá thờ ơ. Ông đã đến muộn và có bài phát biểu mở màn trễ giờ vào ngày 25/9 mà không có bất cứ một lời giải thích nào. Mỗi tối, vị tổng thống tỷ phú này đều trở về căn hộ cao cấp tại tòa tháp Trump trong khi các nhà ngoại giao và lãnh đạo thế giới tham dự tiệc chiêu đãi tại khách sạn.