Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Trump rút 9.500 quân - cái tát với Đức và món quà cho Nga?

Một số quan chức cấp cao của Mỹ bất ngờ trước quyết định rút bớt quân khỏi Đức của ông Trump, cho rằng lý do có liên quan đến bà Merkel và chi tiêu quân sự của nước này.

Reuters dẫn 5 nguồn thạo tin cho biết quyết định rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức của Tổng thống Donald trump là hoàn toàn bất ngờ đối với nhiều quan chức an ninh cấp cao của nước này. Lầu Năm Góc hiện vẫn chưa nhận được lệnh chính thức để triển khai quyết định này.

Quyết định rút bớt quân khỏi Đức - một trong những đồng minh mạnh nhất của Mỹ - khiến số quân Mỹ tại đây giảm từ 34.500 xuống còn 25.000, theo thông tin từ một quan chức cấp cao Mỹ.

My rut quan anh 1

Tổng thống Trump cùng binh lính Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein, Đức, năm 2018. Ảnh: AP.

Quan chức này cho biết quyết định được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận của giới lãnh đạo quân đội Mỹ, không liên quan đến bất đồng giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trước đó, bà Merkel cho biết không thể tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến được tổ chức trực tiếp tại Washington trong tháng này.

Tuy nhiên, các nguồn thạo tin khác nói với Reuters rằng một số quan chức Mỹ tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc rất ngạc nhiên trước quyết định của ông Trump. Họ viện dẫn các tuyên bố của ông Trump về G7 và ảnh hưởng của Richard Grenell - cựu đại sứ Mỹ tại Đức - cho rằng đây là lý do dẫn đến quyết định này.

Quan chức Mỹ "ngỡ ngàng" trước quyết định rút quân

Đại sứ Grenell, được cho là người trung thành với ông Trump, đã từ chức ngày 1/6, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ. Khi được Reuters yêu cầu bình luận về vấn đề này, ông Grenell cho rằng tất cả chỉ là tin đồn và từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể. Theo ông, quyết định rút quân đã được "bàn bạc từ năm 2019".

Ông Grenell nhấn mạnh rằng Mỹ thất vọng khi Đức không đạt mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng như yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho biết Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nói Đức là quốc gia duy nhất chưa đệ trình kế hoạch khả thi nhằm đạt được cam kết này.

Tại sự kiện trực tuyến do viện nghiên cứu Atlantic Council tổ chức hôm 8/6, Tổng thư ký Stoltenberg từ chối bình luận về vấn đề Mỹ rút bớt quân khỏi Đức. Ông cho rằng NATO đã "liên tục thảo luận với Mỹ và các đồng minh khác của NATO về việc triển khai quân sự ở châu Âu".

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đã không nhận được lệnh chính thức cắt giảm quân số ở Đức. Quyết định cũng khiến một số quan chức Bộ Quốc phòng mất cảnh giác và phải chật vật để tìm ra động cơ phía sau, cũng như tác động của động thái này đối với Đức.

Các nguồn thạo tin cho biết Đức cũng không được biết trước về quyết định rút quân của ông Trump.

My rut quan anh 2

Máy bay của Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein, Đức. Đức là nơi có đông quân Mỹ đồn trú nhất ở châu Âu. Ảnh: Không quân Mỹ.

Các quan chức chính phủ Đức hôm 8/6 cho hay Berlin không nhận được thông tin xác nhận về động thái của Mỹ. Nhưng Peter Beyer, điều phối viên của Đức phụ trách các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cho biết quyết định này "sẽ làm rung chuyển các trụ cột của mối quan hệ Mỹ - Đức".

Trong nhiều năm qua, chính quyền Tổng thống Trump đã cố gắng rút bớt quân Mỹ khỏi Đức. Đại sứ Grenell từng công khai chỉ trích Berlin vì không đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng do NATO yêu cầu.

"Thực ra vấn đề này không gây ngạc nhiên, nhưng không hề có sự tham khảo ý kiến hay phối hợp hành động ở đây. Các quan chức chính quyền Trump cho biết họ không mong đợi việc rút quân", nguồn thạo tin về quan hệ quốc phòng Mỹ - Đức nói với Reuters.

Cho tới nay, quyết định này chưa được Nhà Trắng chính thức xác nhận. Động thái rút quân cũng khiến một số quan chức an ninh quốc gia cấp cao trong chính phủ Mỹ ngạc nhiên.

Giới chức Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và một số quan chức của hội đồng an ninh quốc gia đã bị qua mặt, chỉ "nhận ra có vấn đề gì đó khi điện thoại liên tục đổ chuông và tờ Wall Street Journal đăng tin đầu tiên", nguồn tin thứ 3 nói với Reuters.

Mỹ rút quân vì Đức "không chơi theo luật"?

Quyết định rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức của ông Trump có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia. Trước đó, tổng thống Mỹ đã châm ngòi cho mâu thuẫn này bằng việc đặt câu hỏi về giá trị của NATO và chỉ trích một số thành viên liên minh về vấn đề chi tiêu quốc phòng.

Các chuyên gia an ninh gọi kế hoạch rút quân của Mỹ là "món quà" đối với Nga, vì nó diễn ra trong bối cảnh Washington và Moscow đang gia tăng căng thẳng về kiểm soát vũ khí. Ngoài ra, Moscow cũng đang hỗ trợ cho phe ly khai ở Ukraine và Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

My rut quan anh 3

Quan hệ chiến lược Mỹ - Đức đang trong tình trạng căng thẳng leo thang. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, các quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm trong chính phủ Mỹ lưu ý rằng trước đây, chính quyền Trump từng tuyên bố các động thái tương tự - như việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria vào năm 2018 hoặc cắt giảm ngay lập tức 1 tỷ USD cho Afghanistan vào tháng 3 - nhưng đều không được thông qua.

Một nguồn thạo tin trong quốc hội Mỹ nói với Reuters rằng quyết định của ông Trump là có lý do, một phần do bà Merkel không tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 tại Mỹ vì đại dịch Covid-19.

"Quyết định này ban đầu chỉ được thảo luận giữa các quan chức cấp cực kỳ cao và ông Grenell cũng tham gia. Vấn đề được giữ rất kín", nguồn tin giấu tên từ quốc hội Mỹ nói và cho biết thêm quyết định này "được đẩy nhanh do ông Trump tức giận vì bà Merkel không tới tham dự hội nghị G7".

Từ tháng 8/2019, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher và ông Grenell từng công khai cảnh báo rằng Tổng thống Trump có thể rút bớt quân khỏi Đức và chuyển đến Ba Lan, trừ khi Thủ tướng Merkel đáp lại lời kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng.

"Nếu quân Mỹ rút khỏi Đức và chuyển đến Ba Lan, đây sẽ là cái tát cuối cùng đối với Đức. Theo ông Grenell và Mosbacher, người Đức không chơi theo luật và nên bị trừng phạt", một cựu quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói với Reuters.

Tổng thống Trump ra lệnh rút 9.500 quân khỏi Đức

Nhà Trắng giải thích động thái này được thực hiện sau khi NATO đã tăng cường chi tiêu quốc phòng, chứ không phải do Thủ tướng Angela Merkel từ chối lời mời tham dự G7.

Nga và NATO đua sức mạnh quân sự, nhưng có chung một kẻ thù vô hình

NATO và Nga đang vừa phải đảm bảo lực lượng quân sự sẵn sàng hành động vừa phải nâng cao cảnh giác chống lại kẻ thù chung vô hình: Covid-19.

IS danh bom tai mien Bac Iraq hinh anh

IS đánh bom tại miền Bắc Iraq

0

Cảnh sát địa phương cho biết vụ tấn công trên xảy ra gần thị trấn Tuz Khurmatu, cách thủ đô Baghdad khoảng 175km về phía Bắc khiến 3 binh sỹ thiệt mạng và 2 người khác bị thương nặng.

Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm