Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc rút gần 9.500 quân khỏi lãnh thổ Đức, động thái nhiều khả năng sẽ gây quan ngại ở châu Âu về những cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Sau khi số binh sĩ này rút đi, sẽ chỉ còn khoảng 25.000 lính Mỹ đóng tại Đức, so với con số 34.500 quân nhân tại 19 căn cứ quân sự vào thời điểm này. Ở châu Âu, Mỹ đóng quân nhiều nhất tại Đức, sau đó đến Italy và Anh.
Nguồn tin của Reuters cho biết quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng làm việc của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, và không liên quan gì tới mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel - người từ chối lời mời tham dự G7 của ông Trump.
Binh sĩ Mỹ trong một hoạt động tập huấn diễn ra tại Hohenfels, Đức vào năm ngoái. Ảnh: Getty. |
Một quan chức cấp cao khác trong chính quyền cho biết 9.500 binh sĩ sẽ được điều chuyển đi nơi khác, một số đến Ba Lan, một số đến các nước đồng minh khác và phần còn lại sẽ được đưa về nước. Quan chức này nói rằng hiện Mỹ có ít nhu cầu hiện diện quân sự lớn ở Đức, vì tổng chi tiêu quốc phòng của NATO - khối quân sự Bắc Đại Tây Dương do Mỹ đứng đầu - đã được gia tăng.
Một quan chức khác cho biết sự thay đổi này được đưa ra từ một bản ghi nhớ do ông Rober O'Brien ký, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống. Kế hoạch này đã được soạn thảo từ tháng 9 năm ngoái và giờ mới hoàn thành.
Động thái này là nút thắt mới nhất trong quan hệ giữa Berlin và Washington, vốn đi xuống kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần thúc giục Đức tăng chi tiêu quốc phòng, và cáo buộc Berlin là con tin của Moscow vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng khí đốt của Nga.
Vào tháng 5, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã cáo buộc Berlin phá hoại sức răn đe hạt nhân của NATO, sau khi một số lãnh đạo trong liên minh chính trị của bà Merkel kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân.
Mỹ giữ sự hiện diện quân sự lớn ở Đức kể từ sau Thế chiến 2, và các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này đóng vai trò quan trọng trong công tác hậu cần phục vụ cho hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông.