Lực lượng hải quân các nước thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến dần lên phía bắc trong vài năm qua. Liên minh này từng phối hợp với Thụy Điển và Phần Lan tổ chức cuộc tập trận Trident Juncture (Liên kết Đinh ba) vào năm 2018 ở Na Uy. Đây là đợt diễn tập quân sự lớn nhất của NATO kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Đó cũng là lần đầu tiên trong 3 thập kỷ, tàu sân bay Mỹ được triển khai đến Vòng cực Bắc.
Ngày 1/5, NATO tiếp tục gửi một "nhóm hành động tàu mặt nước" đến khu vực. Có 4 tàu Mỹ tham gia bao gồm 2 khu trục hạm, 1 tàu ngầm hạt nhân, 1 tàu hỗ trợ và 1 máy bay tuần tra biển tầm xa. Hải quân Anh cũng điều động 1 tàu hộ tống đến biển Na Uy để cùng đội tàu Mỹ luyện tập săn tàu ngầm.
Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến khi một số tàu rời đội hình vào ngày 4/5, tiến thẳng đến biển Barents ở Bắc Băng Dương. Mỹ gửi thêm một khu trục hạm tham gia nhóm tàu này, theo Economist.
Dù tàu ngầm Mỹ và Anh thường bí mật tiến vào biển Barents để do thám những cơ sở quân sự và hoạt động diễn tập của quân đội Nga, tàu mặt nước của NATO chưa từng quay lại vùng biển này trong suốt gần 4 thập kỷ qua. Ngày 7/5, đáp trả bước đi bất ngờ của Anh và Mỹ, hải quân Nga thông báo sẽ tập trận bắn đạn thật trên biển Barents. Chỉ một ngày sau, các tàu NATO rời đi.
Tàu hộ tống HMS Kent (phải) của Hải quân Hoàng gia Anh và tàu hậu cần USNS Supply (T-AOE-6) trong cuộc tập trận cùng Hải quân Mỹ ở Bắc Cực. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Động thái táo bạo
Điều quân lên vùng biển phương bắc là một quyết định táo bạo của NATO. Sự hiện diện của khu trục hạm được vũ trang tên lửa hành trình và hệ thống đánh chặn tên lửa được xem là hành động mang tính đe dọa cao. Vùng biển được xem là "trái tim" của sức mạnh hải quân Nga, là nơi đặt các vũ khí hạt nhân có thể triển khai trên tàu ngầm. Hạm đội Bắc của Nga đóng ở cảng Severomorsk, trên bán đảo Kola, nằm cạnh ranh giới phía đông của Na Uy.
Có thể thấy, các lực lượng hải quân phương Tây đang nóng lòng chứng tỏ đại dịch Covid-19 không làm họ yếu đi. Cả Pháp và Mỹ, hai thành viên quan trọng của NATO, mỗi nước phải cho tạm dừng hoạt động một tàu sân bay vì dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, mối quan tâm của phương Tây với vùng biển phương bắc đã tồn tại từ trước đại dịch. Hải quân Mỹ cho biết một trong các mục tiêu triển khai lực lượng vào biển Barents là "thực thi quyền tự do hàng hải".
Nga trong thời gian qua áp đặt các quy định của riêng mình đối với tàu thuyền muốn sử dụng Tuyến Biển Bắc (NSR), một tuyến đường hàng hải qua Bắc Cực nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Việc đi lại bằng tuyến đường này ngày một dễ dàng nhờ băng tan dưới tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Mỹ không hài lòng trước các yêu cầu của Nga, cho rằng tàu chiến nước ngoài có quyền đi lại vô hại qua vùng lãnh hải Nga theo luật biển quốc tế. Cuộc diễn tập tuần qua của Anh và Mỹ chưa chạm đến NSR, nhưng có thể gửi tín hiệu hải quân hai nước sẵn sàng hiện thực hóa ý định này trong tương lai.
Tàu chiến Anh và Mỹ tiến vào biển Barents tuần qua. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Điểm nóng an ninh mới
Bắc Cực đang ngày một quan trọng với chính sách quốc phòng của NATO. Nga đã tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Bắc trong vài năm qua, bổ sung từ hệ thống phòng không, kho chứa tên lửa đến chiến hạm mới. Theo Michael Kofman, chuyên gia Trung tâm Phân tích Hải quân, tàu ngầm Nga đang gia tăng hoạt động đáng kể dù vẫn bị tàu ngầm Mỹ áp đảo quân số.
Một số chỉ huy NATO nhận định hoạt động của tàu ngầm Nga đã đạt đến mức độ cao nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Vào tháng 10/2019, đội hình 10 tàu ngầm Nga bất ngờ tiến vào phía bắc Đại Tây Dương để thử khả năng lẩn tránh.
"Hải quân Nga đang chủ động hơn nhiều so với thập niên 1990 và 2000. Điều này là không thể tránh khỏi vì giai đoạn trước thiếu hoạt động lẫn ngân sách", ông Kofman nhận định.
Giới hoạch định chính sách của NATO lo ngại khi tàu ngầm Nga di chuyển ít tiếng ồn hơn và được vũ trang đáng gờm. Hệ quả là "lợi thế âm thanh" của liên minh phương Tây, khả năng phát hiện tàu ngầm với phạm vi rộng hơn Nga, đã giảm đáng kể, theo nhận định của chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Nick Childs.
Nga chủ yếu sử dụng tàu ngầm tấn công cho mục tiêu bảo vệ "pháo đài" hàng hải của họ - một khu vực trải rộng từ biển Barents đến biển Okhotsk. Đây là khu vực tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu đạn hạt nhân của Nga tuần tra.
Trong khi đó, một số tướng lĩnh NATO cho rằng lực lượng tàu ngầm Nga vẫn là mối đe dọa lớn đối với liên minh quân sự phương Tây. Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu (GUGI), một nhánh độc lập trực thuộc hải quân Nga, có thể đánh vào mạng lưới cáp ngầm trên Đại Tây Dương.
NATO quyết định đầu tư trở lại cho năng lực chống ngầm sau nhiều thập kỷ bỏ bê. Mỹ gia tăng các chuyến bay săn tàu ngầm P8 từ Iceland. Anh và Na Uy cũng tự phát triển phi đội máy bay săn ngầm P8 của riêng mình. Mục tiêu của chiến lược là theo dấu và phát hiện rủi ro từ tàu ngầm hạt nhân Nga càng sớm càng tốt. Chỉ cần để lọt một chiếc tại Đại Tây Dương, phương Tây có thể đối diện nhiều rắc rối lớn hơn.
Tuy nhiên, hành lang phòng thủ vẫn không đủ để xoa dịu những lo ngại chiến lược. Thế hệ tên lửa mới của Nga có khả năng tấn công tàu chiến và lãnh thổ các nước NATO từ vị trí xa hơn về phía bắc mạng lưới cảnh báo tàu ngầm GIUK (Greenland - Ireland - Anh), thậm chí là từ cảng nhà ở "pháo đài" Barents - Okhotsk.
"Bước tiến công nghệ này mở ra mối đe dọa mới và mức độ thách thức lớn lơn nhiều đối với các lực lượng NATO", theo nghiên cứu của IISS.
Điều này có thể lý giải việc NATO theo đuổi chiến lược hàng hải mạnh mẽ hơn, đưa lực lượng rời khỏi GIUK và tiến xa về phương bắc, vào cả khu vực "pháo đài" hàng hải của Nga. Chính sách tương tự đã được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thực hiện trong giai đoạn cuối chiến tranh lạnh.
"Tôi nhận thấy những điểm tương đồng với thập niên 1980. Chiến lược hàng hải tiền tuyến nhằm áp sát Hạm đội Bắc của Nga, thay vì phải đụng độ họ xa hơn về phương nam", Niklas Granholm, chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, chia sẻ.