Theo South China Morning Post, Mỹ đã tăng cường hiện diện tại các vùng biển gần Trung Quốc trong năm nay, cả trên không và trên mặt nước, và nguy cơ đối đầu giữa 2 siêu cường tiếp tục gia tăng.
Từ đầu năm tới nay, không quân Mỹ đã thực hiện 39 chuyến bay trên biển Hoa Đông, Biển Đông và biển Hoàng Hải, cũng như qua eo biển Đài Loan. Con số này gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt đi qua vùng biển quốc tế trên Biển Đông hồi tháng 4. Ảnh: AP. |
Hoạt động quân sự tấp nập
Hai trong số những chuyến bay này đi sát Hong Kong, động thái hiếm hoi của Mỹ vì đây là khu vực nằm gần với Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, hải quân Mỹ cũng tiến hành 4 nhiệm vụ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong 4 tháng đầu năm, so với chỉ 8 lần trong cả năm 2019. Lần gần nhất diễn ra vào ngày 29/4 khi tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đi qua quần đảo Trường Sa.
Hôm 8/5, tàu chiến USS Montgomery và tàu chở hàng USNS Cesar Chavez cũng được báo cáo là đang hoạt động trên Biển Đông.
"Lực lượng của chúng tôi bay, di chuyển và hoạt động trong vùng biển quốc tế của Biển Đông theo quyết định của chúng ta và theo các quy tắc hàng hải và luật pháp quốc tế, cho thấy phạm vi hoạt động rộng lớn của hải quân chúng ta ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Fred Kacher, chỉ huy Nhóm tấn công Viễn chinh số 7, cho biết.
Mặc dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, nhưng nước này vẫn duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực để thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh và đối trọng với việc Trung Quốc đang ngày càng tăng cường các cơ sở quân sự và lập trường hung hăng của Bắc Kinh ở khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết ông muốn gia tăng đầu tư quân sự trong khu vực.
"Đây là cách mà bạn có thể giữ một mức độ chiến lược ổn định để đảm bảo sự sẵn sàng cho lực lượng, nhưng sẽ có mức độ bất ngờ hơn với các hoạt động", ông Esper phát biểu tại một hội thảo trực tuyến hôm 5/5. Ông nói thêm rằng việc gia tăng các nhiệm vụ tự do hoạt động hàng hải và các chuyến bay khiến Trung Quốc khó dự đoán tình hình hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết nước này sẽ gia tăng đầu tư quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ảnh: AP. |
Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã "làm tốt việc duy trì sự hiện diện vũ lực, sự răn đe, khả năng và sự sẵn sàng mà chúng ta cần trong khu vực", theo ông Esper.
Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều không giảm tần suất các hoạt động quân sự.
Máy bay của quân đội Trung Quốc ít nhất đã 6 lần bay gần không phận Đài Loan năm nay, trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng 2 lần đi qua vùng biển lân cận của hòn đảo này.
Bộ chỉ huy Chiến khu Nam của Quân Giải phóng Nhân dân, đơn vị phụ trách hoạt động ở Biển Đông cũng cho biết họ đã tham gia một cuộc tập trận chống ngầm hồi tháng 4.
Washington chuẩn bị cho tương lai
Ông Timothy Heath, chuyên gia an ninh đến từ viện chính sách Rand Corporation của Mỹ, cho rằng sự gia tăng các hoạt động quân sự của Mỹ đến từ sự thất bại của các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột giữa Bắc Kinh và Washington.
"Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng biển quốc tế có ý nghĩa quyết định với thương mại toàn cầu và với an ninh của Mỹ", ông Heath nhận định.
"Để củng cố các yêu sách của mình, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, tăng cường tuần tra và triển khai quân sự, và ép buộc các nước láng giềng tuân thủ yêu sách của Bắc Kinh. Điều này khiến cho Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Biển Đông, để gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Washington nghiêm túc trong việc duy trì vị thế quốc tế của Biển Đông, vùng biển cũng như các quần đảo và báo hiệu sự sẵn sàng duy trì các cam kết liên mình của mình", ông Heath cho biết.
Chuyên gia này cho rằng mặc dù Mỹ không tính toán có xung đột quân sự với Trung Quốc trong tương lai gần, Washington đang chuẩn bị cho tương lai.
"Mỹ đã nhiều năm không đầu tư để xây dựng một lực lượng có khả năng cạnh tranh với các quân đội có công nghệ tiên tiến như của Trung Quốc. Mỹ có vẻ đã chấp nhận sự suy giảm khả năng trong ngắn hạn với việc ứng phó với xung đột, để giải phóng các nguồn lực cho những khoản đầu tư dài hạn", ông Heath nói thêm.
Ông Song Zong Ping, nhà bình luận quân sự từ Hong Kong, cho rằng các cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi quân sự.
"Vấn đề Đài Loan và Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và Mỹ đang khai thác điều đó để gây áp lực lên Bắc Kinh", ông Song nhận định.
"Đây sẽ là cuộc xung đột toàn diện không chỉ liên quan đến xung đột quân sự mà còn là xung đột trong các lĩnh vưc khác như thương mại, văn hoá và ý thức hệ", nhà phân tích cho biết.
Bên trong một máy bay do thám P-8A Poseidon của không quân Mỹ trong một nhiệm vụ quan sát việc xây dựng và quân sự hoá các thực thể trên Biển Đông của Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, ông Zack Cooper, nhà nghiên cứu tại viện chính sách American Enterprise Institute ở Washington, cho rằng khi nhìn từ góc độ lịch sử thì mức độ hoạt động hiện tại của quân đội Mỹ ở khu vực không phải là cao một cách bất thường.
"Mỹ có sự hiện diện quân sự lớn ở Đông Á được duy tri từ đầu những năm 1940, và nó không tăng lên một cách đáng kể trong những năm qua", ông Cooper nhận định.
"Các lực lượng này hoạt động trên khắp Đông Á hàng ngày, thường tiến hành các hoạt động hiện diện và duy trì tự do hàng hải. Có thêm một hoặc hai nhiệm vụ là sự thay đổi nhỏ nếu nhìn từ góc này", chuyên gia Cooper nói thêm.