Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
"Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông", bà Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, Tân Hoa xã ngày 3/5 dẫn lời Cục Hải cảnh Trung Quốc cho biết khu vực cấm đánh bắt cá mà họ áp đặt đơn phương và phi pháp ở Biển Đông trải rộng từ vĩ tuyến 12 độ bắc trở lên. Khu vực này bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và các bãi cạn, bãi ngầm mà Trung Quốc tự gán ghép tên gọi là "quần đảo Trung Sa". Thời gian áp dụng lệnh cấm là từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, tổng cộng 3 tháng rưỡi.
Trung Quốc gần đây liên tiếp có những hành động hung hăng và ngang ngược trên biển Đông. Bắc Kinh vào tháng 4 đã công bố việc thành lập hai đơn vị hành chính trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, vốn được thiết lập phi pháp với tham vọng kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Họ cũng công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông.
Liên quan đến quyết định đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ phía Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam ngày 4/5 có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại Trung ương để bày tỏ quan điểm phản đối.
Hội nghề cá nhấn mạnh quy chế do phía Trung Quốc ban hành đã "xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan".