Tổng thống Trump hôm 14/4 lại “gây sốc” dư luận khi khẳng định mình có đủ thẩm quyền để chấm dứt các biện pháp chống dịch và tái khởi động nền kinh tế, theo CNN. Trong một cuộc họp báo, ông tuyên bố “quyền lực của tổng thống là tối thượng”.
Đài NBC bình luận có lẽ ông Trump đã nói hớ trong lúc tranh cãi với các phóng viên. Theo nhiều chuyên gia về hiến pháp, thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa khi có khủng hoảng thuộc về chính quyền tiểu bang.
Tuyên bố khoa trương này được đưa ra trong bối cảnh nhiều thống đốc đảng Dân chủ phản đối ý kiến của Tổng thống Trump trong việc nới lỏng lệnh phong toả và nối lại các hoạt động kinh tế.
Đại diện cho khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đáp trả: “Tổng thống rõ ràng muốn tranh cãi nhưng chúng ta không cần một cuộc chia rẽ chính trị vào lúc này. Nếu ông ấy muốn cãi nhau, tôi chẳng tham gia đâu”.
Trong khi chính giới Mỹ đang bất đồng quan điểm và chưa tìm ra giải pháp chung, Đức - một quốc gia cũng theo thể chế liên bang - lại chống dịch khá hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel.
Nhà hàng đóng cửa tại quảng trường Hackescher Markt, ở quận Mitte, thủ đô Berlin. Ảnh: The New York Times. |
“Trong chủ nghĩa liên bang, các bên không được đùn đẩy trách nhiệm. Chúng ta phải có trách nhiệm với khu vực của mình”, bà Merkel nhấn mạnh.
Theo giới quan sát, Đức đã có cho mình lộ trình rõ ràng trong cuộc chiến chống dịch. Với 15 năm giữ vị trí thủ tướng, bà Merkel đang chứng minh năng lực bằng nhiều quyết sách thông minh khi đối đầu với cuộc khủng hoảng y tế này.
Khơi gợi tinh thần đoàn kết
“Chúng ta phải mất thêm bao nhiêu người thân nữa? Cái giá phải trả sẽ cao tới mức nào?” là những câu hỏi bà Merkel đặt ra cho người dân Đức.
Trong bài phát biểu đầy cảm xúc hôm 18/3, nữ thủ tướng khẳng định: “Chính chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi đó. Tôi tin rằng chúng ta có trách nhiệm và có thể hành động để cứu sống bản thân”.
Hãng CNN bình luận rằng những lời chia sẻ trên đã kêu gọi được sự đồng lòng của người dân Đức.
Thủ hiến bang Baden-Wuerttemburg, Winfried Kretschmann chia sẻ: “Vẫn còn quá sớm để đánh giá tình hình. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Đức đang nhận được sự ủng hộ trên toàn thế giới”.
Một người dân đi giữa con phố vắng vẻ gần quảng trường Potsdamer ở thủ đô Berlin, ngày 14/4. Ảnh: The New York Times. |
Trên thực tế, Đức có số ca nhiễm cao nhưng có tỷ lệ tử vong khá thấp đi kèm với một hệ thống y tế vững chắc. Tính đến sáng 17/4, nước này ghi nhận 137.698 ca nhiễm và 4.052 ca tử vong do Covid-19, dẫn số liệu từ World Meter.
Sau cuộc họp với thủ hiến các bang hôm 15/4, bà Merkel thông báo nước này sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế thời dịch. Theo đó, hàng quán tiếp tục kinh doanh từ tuần tới, trường học được mở cửa trở lại vào tháng 6 trong khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì.
“Từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể cân bằng hiệu quả chống dịch và tái thiết kinh tế”, Jan Techau, giám đốc chương trình châu Âu của Quỹ Marshall Đức cho biết.
Ông Techau đánh giá rằng phong cách lãnh đạo của bà Merkel vẫn không thay đổi trong suốt 15 năm. “Bà ấy chọn cách lặng lẽ quan sát, đôi khi là không làm gì cả để nắm bắt xu thế chung và đưa ra giải pháp được đa số chấp nhận”.
Cũng theo ông Techau, cách tiếp cận cổ điển này đặc biệt hữu dụng trong thời khủng hoảng - khi người dân cần tinh thần đoàn kết để vượt qua đại dịch.
Điều gì làm nên chiến lược chung?
Là lãnh đạo của một quốc gia đề cao chủ nghĩa liên bang, bà Merkel hiểu rằng thủ tướng Đức không thể áp đặt quyết định lên thủ hiến 16 bang. Do đó, chiến lược chung phải được hình thành dựa trên sự phối hợp và đồng thuận.
“Chúng tôi biết rằng các chính sách chỉ có hiệu quả khi hệ thống liên bang làm việc nhất quán”, bà Merkel từng nhấn mạnh. Có thể nói, Đức đạt được thành công chống dịch do quan chức lãnh đạo các cấp bỏ qua sự khác biệt để cùng hướng tới mục đích chung.
Theo phong cách ngoại giao cổ điển, bà Merkel luôn tham vấn ý kiến của chuyên gia trước khi đưa ra những thông báo quan trọng. Cụ thể, bà mới nghiên cứu khuyến nghị từ 26 học giả hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực để đạt được sự đồng thuận với thủ hiến 16 bang.
Sự đồng thuận này được thấy rõ khi bộ trưởng tài chính kiêm thủ hiến bang Bavaria, Markus Soder, đứng về phía bà Merkel trong cuộc họp báo hôm 15/4.
“Đức đi theo triết lý tập thể và các cuộc tranh luận gần đây đều đạt kết quả tốt đẹp”, Thủ hiến Soder, người từng không ít lần chỉ trích bà Merkel cho hay.
Với cách chống dịch hiệu quả và quyết liệt, Thủ tướng Angela Merkel nhận được nhiều sự tán dương và gia tăng độ tín nhiệm trong dân chúng. Theo ông Techau, chìa khoá thành công của hệ thống liên bang là “nói ít, lãnh đạo nhiều”.
“Nhà lãnh đạo phải là người dẫn dắt quốc gia chống dịch và cách tốt nhất để chống dịch là cả đất nước đồng sức, đồng lòng”, ông Techau nhấn mạnh.