Không chỉ Đài Loan, Đức, New Zealand, mà nhiều nơi khác cũng có các nữ lãnh đạo đã hành động mạnh mẽ và đến nay đang thành công trước đại dịch Covid-19.
Đài Loan, Đức và New Zealand đều đã kiềm chế dịch bệnh bằng các biện pháp can thiệp sớm, dựa vào khoa học. Những nơi này đều xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc quyết liệt và hạn chế nghiêm việc tụ tập.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP. |
Các câu chuyện thành công
Theo CNN, Đài Loan, có dân số khoảng 24 triệu, là nơi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có sự hợp tác hạn chế, và lẽ ra có nguy cơ lớn hơn cả vì ở gần Trung Quốc đại lục.
Nhưng khi lãnh đạo Thái Anh Văn biết về bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái, bà nhanh chóng ra lệnh kiểm tra toàn bộ các chuyến bay từ Vũ Hán. Không lâu sau, bà thành lập trung tâm chỉ huy chống dịch, tăng cường sản xuất đồ bảo hộ y tế, và hạn chế mọi chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.
Việc can thiệp sớm và quyết liệt của Đài Loan đã giảm nhẹ ảnh hưởng từ dịch bệnh xuống chỉ 393 ca nhiễm và 6 ca tử vong, tính đến ngày 14/4.
Đức, có dân số 83 triệu người, đã có hơn 132.000 ca nhiễm nhưng tỷ lệ tử vong khá thấp, thấp hơn hẳn các nước châu Âu khác. Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel tăng vọt vì cách bà ứng phó với đại dịch.
Đức có chương trình xét nghiệm diện rộng lớn nhất ở châu Âu, và chuẩn bị được nhiều giường chăm sóc đặc biệt (ICU) nhất.
“Có thể sức mạnh lớn nhất của Đức... là việc ra quyết định hợp lý ở cấp cao nhất của chính phủ kết hợp với lòng tin của người dân”, Hans-Georg Kräusslich, trưởng khoa virus học tại Bệnh viện Đại học Heidelberg, nói với New York Times.
New Zealand, có dân số 5 triệu dân, dựa nhiều vào du lịch, nhưng Thủ tướng Jacinda Ardern đã cấm khách nước ngoài vào ngày 19/3 và tuyên bố bốn tuần phong tỏa ngày 23/3, yêu cầu toàn bộ nhân viên không thiết yếu ở nhà, ngoại trừ ra ngoài đi siêu thị hay tập thể dục quanh nhà.
New Zealand đã xét nghiệm mạnh mẽ và ghi nhận 1.300 ca nhiễm, nhưng chỉ 9 ca tử vong.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: Getty Images. |
Các nữ lãnh đạo Bắc Âu
Trong 5 nước Bắc Âu, có bốn nước có nữ lãnh đạo, đều là các nước có tỷ lệ tử vong thấp hơn vì Covid-19 so với các nước châu Âu khác.
Chẳng hạn, Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, 34 tuổi, lãnh đạo trẻ nhất thế giới, đang có tỷ lệ ủng hộ 35% vì công tác chuẩn bị chống dịch. Phần Lan, với dân số 5,5 triệu, có 59 ca tử vong.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir lãnh đạo một đảo nhỏ có chỉ 360.000 người. Nhưng chương trình xét nghiệm diện rộng, ngẫu nhiên của Iceland cho thấy một nửa số người dương tính không có triệu chứng - một kết quả có tầm quan trọng rất lớn với thế giới.
Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir. Ảnh: Getty Images. |
Nước còn lại ở Bắc Âu có nam lãnh đạo là Thụy Điển. Thụy Điển từ chối ra lệnh phong tỏa, vẫn để trường học, cửa tiệm mở. Tỷ lệ tử vong đã tăng vượt các nước châu Âu khác.
Các nữ lãnh đạo khác cũng đã thu hút chú ý của quốc tế, chẳng hạn Thủ tướng Silveria Jacobs của đảo nhỏ St. Martin, dân số 41.000, ở vùng Caribê, có video yêu cầu người dân “đừng di chuyển nữa” lan truyền rộng (viral) trên thế giới, theo CNN.
Tính đến đầu năm nay, chỉ 10 trên 152 lãnh đạo được bầu là phụ nữ, theo Liên minh Nghị viện Thế giới và Liên Hợp Quốc. Nam giới chiếm 75% các nghị sĩ, 73% số quản lý cao cấp và 76% trong lĩnh vực truyền thông chính thống.
“Chúng ta đã tạo ra một thế giới trong đó phụ nữ phải tìm chỗ đứng trong 25% - chỉ 1/4 - của không gian cả trong các phòng họp lẫn trong các câu chuyện trên truyền thông. 1/4 là không đủ”, Phmzile Mlambo-Ngcuka, giám đốc điều hành của UN Women, cho biết.