Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức mạnh tên lửa ATACMS vừa được Mỹ 'bật đèn xanh' cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, chặn đà cuộc phản công quy mô lớn của Nga tại tỉnh Kursk.

Tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS được phóng từ Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Báo chí Mỹ ngày 17/11 trích dẫn các nguồn tin trong chính quyền cho biết Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để tấn công vào các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga, đánh dấu một sự thay đổi lớn về chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Ukraine-Nga.

Động thái này diễn ra chỉ hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông này từng nhiều lần tuyên bố sẽ sớm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine ngay khi lên cầm quyền.

CNN ngày 17/11 đưa tin ông Trump có ý định chứng tỏ là “nhà đàm phán xuất sắc” và sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải giải quyết cuộc xung đột với Nga trong bối cảnh Ukraine “bắt đầu thua.”

Quyết định này được đưa ra khi Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giành lại phần lãnh thổ ở tỉnh Kursk của Nga mà Ukraine đã chiếm được từ hồi tháng 8.

Mặc dù các quan chức Mỹ không kỳ vọng động thái này sẽ “làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến,” nhưng có thể làm suy yếu chiến dịch tấn công của Nga, đồng thời gửi thông điệp răn đe tới lực lượng hỗ trợ Nga.

Trước đó, Tờ Financial Times dẫn nguồn tin tình báo Ukraine cho biết Triều Tiên đã điều bình sỹ cùng khoảng 50 khẩu pháo tự hành M1989 Koksan (có thể bắn đạn pháo xa tới 60 km) và 20 hệ thống rocket phóng loạt tới Nga. Một số vũ khí trong đó đã được triển khai tới tỉnh Kursk của Nga.

Sức mạnh của ATACMS

Tên lửa ATACMS, do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, là loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công mục tiêu cách xa 305km với đầu đạn chứa khoảng 170kg thuốc nổ.

Tên lửa này bay cao vào bầu khí quyển sau đó quay trở lại mặt đất với tốc độ cực cao do lực hấp dẫn, với vận tốc tối đa lên tới Mach 3.

My,  Ukraine anh 1

ATACMS có tầm bắn lên tới 305 km. Ảnh: Mạng xã hội X.

Loại tên lửa này có thể được bắn từ Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, cũng như từ bệ phóng M270 cũ hơn mà Anh và Đức đã viện trợ.

ATACMS có thể tấn công vào các mục tiêu ở sâu hơn trong lãnh thổ Nga so với bất kỳ tên lửa nào khác của Ukraine, nhưng không thể bay xa như tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tên lửa ATACMS được phát triển vào những năm 1980 để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao của Liên Xô sâu sau phòng tuyến. Đây là loại vũ khí dẫn đường hiếm hoi vào thời điểm Mỹ chủ yếu dựa vào "bom ngu" và các loại đạn không dẫn đường khác.

Ngày nay, Lầu Năm Góc có hai phiên bản ATACMS trong kho vũ khí, bao gồm đầu đạn đơn thông thường và đầu đạn chùm.

Quân đội Mỹ đã bắn khoảng 30 ATACMS trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 để tấn công các bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và các địa điểm tên lửa đất đối không của Iraq.

Trong khi đó, các phiên bản bom chùm thế hệ đầu tiên có thể bay khoảng 161km. Khi bay qua mục tiêu, chúng thả 950 quả bom bi.

Quân đội Mỹ cũng đã bắn hơn 400 tên lửa ATACMS mang bom bi trong những giờ đầu của Chiến dịch Tự do Iraq năm 2003.

Lý do đến bây giờ Mỹ mới cho phép Ukraine sử dụng ATACMS tấn công vào Nga

Quyết định về việc có nên trang bị ATACMS cho Ukraine hay không đã trở thành một chủ đề nhạy cảm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự toàn diện tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Ngay từ đầu cuộc chiến, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề nghị các nước viện trợ vũ khí có thể tấn công sâu vào lãnh thổ do Nga chiếm đóng cũng như vào chính nước Nga.

My,  Ukraine anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp ở Washington, DC năm 2023. Ảnh: New York Times.

Mỹ đã cung cấp ATACMS cho Ukraine vào năm 2023, nhưng cho đến nay chính quyền Biden vẫn chưa chấp thuận việc sử dụng tên lửa này vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Nhà Trắng lo ngại nếu Ukraine sử dụng tên lửa này để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, Nga có thể đáp trả bằng cách leo thang cuộc xung đột.

Một số quan chức Lầu Năm Góc cũng phản đối việc cung cấp những tên lửa này cho Ukraine do nguồn cung hạn chế.

Cách thức Ukraine có thể sử dụng ATACMS

Ông Zelensky cho biết ATACMS rất quan trọng với khả năng tiến hành một cuộc phản công rộng hơn và khẳng định ông không có kế hoạch tấn công các thành phố hoặc dân thường Nga.

Hôm 17/11, trong bài phát biểu hàng đêm, ông Zelensky đã ám chỉ rằng lệnh hạn chế của Mỹ đã được dỡ bỏ mà không xác nhận, nói rằng: "Những điều như vậy không được công bố. Các tên lửa sẽ tự nói lên điều đó."

Theo báo chí phương Tây, quân đội Nga đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công lớn với khoảng 50.000 quân, có sự tham gia của cả binh sỹ Triều Tiên, vào các vị trí cố thủ của Ukraine ở tỉnh Kursk.

Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các khu vực tập trung quân đội Nga và Triều Tiên, các thiết bị quân sự quan trọng, các kho hậu cần, đạn dược và các tuyến tiếp tế sâu bên trong nước Nga. Điều đó có thể giúp Ukraine làm giảm hiệu quả của cuộc tấn công của Nga và Triều Tiên.

Tuy nhiên, không rõ Ukraine còn bao nhiêu tên lửa trong kho vũ khí để sử dụng ở Kursk.

https://www.vietnamplus.vn/suc-manh-cua-ten-lua-atacms-ma-my-vua-cho-phep-ukraine-dung-de-tan-cong-vao-nga-post994063.vnp

Theo Vietnam+

Bạn có thể quan tâm