Người đứng đầu nước Nga tuyên bố Moscow không sử dụng vũ lực ở Crimea và hy vọng Nga sẽ không phải động binh tại vùng phía đông Ukraina. Ông Putin cho rằng việc lựa chọn sử dụng vũ lực ở Ukraina chỉ là giải pháp cuối cùng của Nga.
Ông Putin cũng khẳng định Nga không hứng thú với việc kích động chủ nghĩa ly khai ở Crimea.
Ông Putin phủ nhận thông tin Nga động binh tại Crimea. Ảnh: Ria Novosti. |
Trước thông tin 16.000 binh sĩ Nga được điều động sang khu tự trị Crimea, ông Putin cho rằng việc những người vũ trang mặc quân phục không phù hiệu phong tỏa các căn cứ quân sự Ukraina ở Crimea là cuộc nổi dậy do lực lượng tự vệ địa phương tiến hành vì họ cảm thấy bất an với chính quyền mới tại Kiev.
Trả lời câu hỏi vì sao những người này lại được vũ trang tốt như vậy, Tổng thống Nga nói người biểu tình tại Kiev cũng được vũ trang kỹ càng và hoạt động với nhiệm vụ đặc biệt.
Về số phận của nhà lãnh đạo Ukraina Viktor Yanukovych, Tổng thống Putin nói rằng ông này không còn tương lai chính trị. Nước Nga che chở Yanukovych chỉ nhằm cứu mạng sống của ông này. Tổng thống Putin thông báo ông đã gặp Tổng thống bị lật đổ của Viktor Yanukovych 2 ngày trước và ông này vẫn an toàn, khỏe mạnh.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin khẳng định "một cuộc đảo chính vi hiến" đã xảy ra ở Ukraina. Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh Tổng thống bị phế truất Yanukovych đã thực hiện tất cả các điều kiện trong thỏa thuận ngày 21/2 với phe đối lập.
Ngoài ra, người đứng đầu điện Kremlin khẳng định những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ chỉ gây phản tác dụng cho phương Tây. Phản ứng trước những thông tin một số quốc gia phương Tây tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi (Nga) vào tháng 6, Tổng thống Putin cho rằng, nước Nga đang chuẩn bị cho sự kiện này. Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây không muốn dự, "họ không nhất thiết phải làm điều đó".
Chỉ vài giờ sau cuộc họp báo của Tổng thống Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 4/3 cũng lên tiếng đáp trả, khi nói rằng tuyên bố của ông Putin về Crimea "không lừa dối được ai".
Ông chủ Nhà Trắng cho hay, Nga đang "đẩy các nước ra xa thông qua những hành động của mình". Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh, ông được báo cáo rằng ông Putin đã "tạm dừng một chút để suy nghĩ về việc chọn giải pháp cho cuộc khủng hoảng".
Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini cho biết Nga đã nhất trí gặp các đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 5/3 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Trước đó, theo hãng tin AP, khoảng 10 binh lính vũ trang mặc quân phục không phù hiệu, được cho là lính Nga, đã bắn cảnh cáo để ngăn những người lính Ukraina không mang vũ khí tiến đến gần. Nhóm binh lính này bắn vài phát đạn lên không trung và cảnh cáo sẽ bắn thật nếu phía Ukraina tiếp tục tiến đến.
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraina SBU Valentyn Nalivaichenko cho biết, hệ thống viễn thông của nước này đã bị tấn công. Các thiết bị đặt ở khu vực Crimea do Nga kiểm soát đã bị sử dụng để can thiệp vào điện thoại di động của nghị sĩ.
Ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, công bố bản sao của thư mà Viktor Yanukovych gửi tới Điện Kremlin trong phiên họp của Hội đồng Bảo an tại thành phố New York hôm 3/3. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Ukraina hôm 3/3, ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, cho hay Yanukovych yêu cầu Điện Kremlin động binh. Churkin trình bản sao của lá thư mà Yanukovych gửi tới Điện Kremlin vào ngày 1/3 trước Hội đồng Bảo an để làm bằng chứng. Theo Churkin, ông Yanukovych nói rằng Ukraina đang ở bên bờ vực chiến tranh và dân thường ở đó có thể lâm nguy chỉ vì họ nói tiếng Nga, BBC đưa tin.
"Tôi kêu gọi Tổng thống Nga, ngài Putin, sử dụng quân đội để vãn hồi luật pháp, hòa bình, trật tự, ổn định và bảo vệ dân thường tại Ukraina", Churkin trích dẫn một câu trong thư.
Đại sứ của các nước phương Tây phản bác lời giải thích của Nga về việc đưa quân vào Ukraina. Họ tái khẳng định Moscow vi phạm luật pháp quốc tế.
"Nga động binh để đáp trả một mối đe dọa tưởng tượng", Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố.
Hôm 3/3, các quan chức của Bộ Quốc phòng Ukraina cho hay ông Alexander Vitko, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, yêu cầu các lực lượng Ukraina tại bán đảo Crimea đầu hàng.
"Cuộc tấn công nhằm vào tất cả lực lượng quân sự trên khắp bán đảo Crimea sẽ nổ ra nếu họ không buông súng trước 5h sáng hôm 4/3 (10h sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam)", Interfax dẫn lời nguồn tin.
Loa phóng thanh trên một tàu thuộc Hạm đội Biển Đen phát yêu cầu của ông Vitko, Kyiv Post cho biết.
Song một quan chức trong Bộ Quốc phòng Nga nói với RT rằng Bộ Quốc phòng không biết bất kỳ tối hậu thư nào dành cho Ukraina.
"Nga muốn quan hệ thân thiện với nhân dân Ukraina để duy trì sự ổn định trong khu vực", vị quan chức giấu tên nhấn mạnh.
Hạm đội Biển Đen cũng khẳng định điều tương tự.
"Chúng tôi đã quen với việc giới truyền thông Ukraina cáo buộc Nga thực hiện hành động quân sự nào đó đối với những người lính Ukraina. Những kẻ muốn người Nga và người Ukraina chống lẫn nhau tại Crimea sẽ không thành công", người phát ngôn của hạm đội Biển Đen khẳng định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe tướng Ivan Buvaltsev khi hai ông theo dõi cuộc tập trận gần thành phố St. Petersburg hôm 3/3. Ảnh: RIA Novosti |
Giới chức Ukraina thông báo lực lượng Nga tại Crimea yêu cầu thủy thủ trên 2 tàu chiến của Ukraina tại cảng Sevastopol, Crimea phải đầu hàng hôm 3/3.
"4 chiến hạm Nga đang chặn tàu chống ngầm Ternopil và soái hạm Slavutych tại cảng Sevastopol. Người Nga yêu cầu thủy thủ trên 2 tàu phải đầu hàng trong vài giờ tới. Nếu họ không đầu hàng, lính Nga sẽ tấn công và chiếm tàu", Maksim Prauta, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ukraina, nói.
Trước đó, theo AFP, lực lượng biên phòng Ukraina thông báo 10 trực thăng chiến đấu, 8 máy bay vận tải quân sự Nga đã tiến vào Crimea trong ngày 3/3. Từ hôm 1/3, người dân thành phố Sevastopol thuộc Crimea thấy 4 tàu chiến Nga ngoài khơi.
Người phát ngôn của lực lượng biên phòng Ukraina cho hay, quân đội Nga phá sóng điện thoại di động ở một số khu vực thuộc Crimea.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo Moscow có ý định xây một cầu để nối liền Nga với bán đảo Crimea, Reuters đưa tin. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện thoại tới ông Medvedev hôm 3/3 để kêu gọi Nga rút quân ra khỏi Crimea, chấp nhận lực lượng quan sát quốc tế và đối thoại với chính phủ lâm thời Ukraina.
Ông Putin di chuyển bằng trực thăng để theo dõi cuộc tập trận của quân đội Nga hôm 3/3. Ảnh: RIA Novosti |
Điện Kremlin vừa công bố những hình ảnh về việc Tổng thống Vladimir Putin thị sát một cuộc tập trận của quân khu trung tâm và quân khu Tây hôm 3/3.
Các ngoại trưởng châu Âu họp khẩn về tình hình Ukraina tại Brussels hôm 3/3. Trong cuộc họp các ngoại trưởng đều lên án việc Nga triển khai quân tại Crimea, đồng thời khẳng định châu Âu có thể trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ông Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Đức, cho rằng châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Radoslaw Sikorski, Ngoại trưởng Ba Lan, nói với BBC: "Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là giới cầm quyền Nga tin vào chiến dịch tuyên truyền của họ và gây nên những sai lầm tai hại. Những sai lầm ấy sẽ mở những cánh cổng của địa ngục".
Ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nói Washington nên "chống lại Putin". Ông nói với báo Cincinnati Inquirer rằng sự chịu đựng của nước Mỹ đã tới mức giới hạn.
William Hague, Ngoại trưởng Anh, nhận định rằng châu Âu đang đối diện cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thế kỷ 21.
Người phát ngôn của Catherine Ashton, quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu, thông báo bà sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Madrid vào ngày 4/3 để thảo luận về Ukraina.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy, kêu gọi một cuộc họp của các tổng thống và thủ tướng châu Âu để xoa dịu căng thẳng tại Ukraina.
Andrei Klimov, một nghị sĩ thuộc Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện), khẳng định truyền thông phương Tây và Ukraina đang xuyên tạc những hành động của Nga để dư luận nghĩ rằng Moscow muốn lấy lại Crimea.
"Quân đội Nga không hề gây hấn. Đó chỉ là kết quả tuyên truyền của giới truyền thông. Nga không hề muốn mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi không phải là những người Nga tồi, mà chỉ là những người châu Âu bình thường", Klimov bình luận.