Chưa đầy một tuần sau khi thông báo những đề xuất gây ra cơn bão chính trị ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã đệ trình gói sửa đổi hiến pháp cho các nhà lập pháp.
Dự luật đề xuất sẽ giảm quyền lực của tổng thống bằng cách chuyển một số quyền hạn cho quốc hội và các cơ quan liên bang bao gồm cả Hội đồng An ninh Quốc gia.
Theo AFP, những thay đổi hiến pháp sẽ biến Hội đồng An ninh Quốc gia từ một cơ quan tư vấn thành một cơ quan, có khả năng đứng đầu là ông Putin, định hình chính sách đối nội và đối ngoại cũng như phát triển kinh tế và xã hội, theo các sửa đổi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang hôm 15/1. Ảnh: Sputnik/Reuters. |
Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết Ủy ban lập pháp của Duma Quốc gia sẽ thảo luận về gói dự luật vào ngày 21/1 và Hạ viện sẽ quyết định thời điểm tranh luận về các sửa đổi.
Ông gọi các dự luật sửa đổi là quyết định "lịch sử" của ông Putin - người có nhiệm kỳ thứ 4 tại Điện Kremlin hết hạn vào năm 2024 - để chia sẻ một số quyền lực của ông với các đảng chính trị và xã hội dân sự.
Dự thảo đã được trình bày chỉ vài ngày sau khi một nhóm các chuyên gia và nhân vật nổi tiếng được thành lập để phát triển các đề xuất và trước cuộc bỏ phiếu công khai về các sửa đổi mà ông Putin đã hứa tuần trước.
Ông Putin, người lần đầu trở thành tổng thống 20 năm trước, tuyên bố đề xuất cải cách trong thông điệp liên bang hôm 15/1, khiến chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev phải từ chức.
Các cải cách bao gồm trao cho quốc hội quyền chỉ định thủ tướng và giới hạn tổng thống trong tổng cộng hai nhiệm kỳ, thay vì hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Nhà phê bình hàng đầu của điện Kremlin, Alexei Navalny, cho rằng ông Putin muốn duy trì vị trí "lãnh đạo trọn đời" và nói rằng phe đối lập sẽ đưa ra kế hoạch phản công trong vài tuần tới.