Khi ông Putin bắt đầu bài phát biểu hàng năm của mình trước hội đồng liên bang vào buổi trưa 15/1, không ai lường trước được chuỗi bất ngờ sẽ xảy ra. Sau hơn một giờ nói về các vấn đề xã hội như suy giảm dân số kéo dài của Nga, tổng thống đột nhiên kêu gọi một loạt thay đổi đối với hiến pháp.
Ông nói Quốc hội, chứ không phải tổng thống, nên bổ nhiệm thủ tướng và vị thế và vai trò của hội đồng nhà nước, một cơ quan tư vấn ít hoạt động, nên được ghi nhận nhiều hơn trong hiến pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik/Getty. |
Chuyển giao quyền lực
Xuất hiện cùng với Putin và các bộ trưởng chỉ vài giờ sau đó, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố rằng ông và chính phủ của ông sẽ từ chức để "trao cho tổng thống cơ hội đưa ra mọi quyết định cần thiết" để thực hiện những thay đổi hiến pháp. Các bộ trưởng hoàn toàn không biết trước về việc này.
Truyền hình nhà nước cũng ngạc nhiên như mọi người. Họ chỉ đơn giản phát đầy đủ tuyên bố của Medvedev và Putin trên bản tin 6 giờ trước khi nhanh chóng chuyển sang các chủ đề dễ dàng hơn như những lợi ích bổ sung mà ông Putin đã hứa với các gia đình trẻ trong bài phát biểu của mình.
Đến tối, ông Putin đề cử Mikhail Mishustin, lãnh đạo lâu năm của cơ quan thuế, người chơi khúc côn cầu với tổng thống và bạn bè ông trong ngày sinh nhật của Putin, làm thủ tướng.
Mặc dù được biết đến như một công chức mẫn cán, Mishustin còn xa mới trở thành chính trị gia nặng ký và rất ít người cho rằng ông sẽ dẫn dắt chính phủ tiếp theo.
Để giải thích những gì vừa xảy ra, nhiều chuyên gia nhắc đến từ "chuyển giao". Vì hiến pháp hiện cấm Putin ra tranh cử tổng thống vào năm 2024, người ta kỳ vọng rằng ông sẽ chuyển sang một vị trí khác trong khi tiếp tục nắm quyền điều hành. Quá trình đó đã bắt đầu.
"Chính phủ chết lặng, họ không mong đợi điều này, và có lẽ Medvedev cũng không mong đợi điều này, vậy chúng ta có thể nói gì?", Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn trong chính quyền của cả Putin và Medvedev, nói với Politico.
"Tất nhiên điều này cho thấy điện Kremlin đang có những suy nghĩ về quá trình chuyển đổi", ông nhận xét.
Giảm ảnh hưởng chức vụ tổng thống
Những thay đổi hiến pháp được đề xuất sẽ làm suy yếu vị trí tổng thống đồng thời trao quyền lực và độc lập lớn hơn cho quốc hội và hội đồng nhà nước, cả hai đều được coi là điểm hạ cánh tiềm năng cho Putin.
Ông có thể đứng đầu một hội đồng nhà nước cải tiến bao gồm các thống đốc khu vực, hầu hết được Putin bổ nhiệm. Hoặc nếu không, các đảng trung thành của Kremlin trong quốc hội, do một cựu phụ tá của Putin làm chủ tịch, có thể chỉ định ông làm thủ tướng.
Quang cảnh tòa nhà chính phủ Nga ở trung tâm thành phố Moscow. Ảnh: Sputnik/Getty. |
"Đây là hai lựa chọn rõ ràng, mở ra những khả năng lớn hơn so với trước đây. Putin thích tạo ra những khả năng cho mình, ông thích mở nhiều cánh cửa trong hệ thống và để lại quyết định cho đến phút cuối cùng. Bây giờ hệ thống sẽ ở trong trạng thái chờ đợi", Oleg Ignatov, nhà tư vấn chính trị từng làm việc cho đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất, bình luận.
Những thay đổi hiến pháp khác do Putin đề xuất trong bài phát biểu của ông dường như được thiết kế để làm suy yếu các đối thủ của ông khi dự đoán ông sẽ chuyển sang một vị trí khác, đặc biệt là lời kêu gọi "tạo ra sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước và thành phố". Các nhà hoạt động đối lập gần đây đã giành được ghế tại các cơ quan thành phố bao gồm cả hội đồng thành phố Moscow.
Ông cũng đề xuất tổng thống sẽ bị giới hạn trong tổng số hai nhiệm kỳ, thay vì hai nhiệm kỳ liên tiếp như hiện nay.
Ông Putin kêu gọi những thay đổi được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý, có thể trong cuộc bầu cử khu vực vào tháng 9.
Nhóm soạn thảo các sửa đổi hiến pháp bao gồm các nghị sĩ, các nhân vật văn hóa và vận động viên nổi tiếng, tất cả đều là những người ủng hộ Putin.
Sự ra đi của Medvedev
Ít nhất, sự ra đi của Medvedev sẽ được chào đón nồng nhiệt, vì hơn một nửa người Nga không tán thành thành tích công việc của ông. Bằng cách loại bỏ Medvedev, ông Putin có thể lập luận rằng chính phủ Nga không bị đình trệ cùng với nền kinh tế của nó.
"Mặc dù Mishustin không phải là ứng viên để tiến hành các cải cách kinh tế lớn nhưng ông có thể sẽ quản lý cẩn thận tài chính của đất nước và giảm lãng phí. Tư tưởng của ông là kiểm soát hoàn toàn", Pavlovsky nói.
Nhưng có lẽ phẩm chất lớn nhất của ông là ông không được coi là đối thủ tiềm năng hay người kế nhiệm của Putin.
Đồ họa: WSJ. |
Những thay đổi hiến pháp khác sẽ giúp loại bỏ bất kỳ cản trở chính trị nào đối với việc Putin chuyển sang chức vụ khác, Georgy Satarov, cựu phụ tá của cựu tổng thống Boris Yeltsin và một trong những tác giả của hiến pháp hiện tại, cho biết.
Ông lập luận rằng việc bổ nhiệm Medvedev ngay lập tức vào vị trí mới trong hội đồng an ninh có thể cho phép Putin theo dõi sát sao cơ quan này, bao gồm những người đứng đầu các cơ quan an ninh và quân sự của Nga do tổng thống lãnh đạo.
Putin và Medvedev gặp gỡ các thành viên của chính phủ. Ảnh: Sputnik/Getty. |
Nhà phân tích Yevgeny Minchenko cho rằng những thay đổi sẽ tạo ra một chính phủ cân bằng hơn. Tuy nhiên, những người khác nghi ngờ điều này.
Pavlovsky cho rằng Putin có thể bám trụ quyền lực nhưng việc thiếu cạnh tranh chính trị và những ý tưởng mới khiến người ta nghi ngờ về khả năng tồn tại lâu dài của chính phủ của ông.
"Đây là những thay đổi mang tính hình thức chỉ có thể hoạt động miễn là chế độ hiện có được lưu giữ. Nhưng việc chuyển đổi cần chuẩn bị cho trường hợp Putin rời đi và hệ thống cần ổn định trong điều kiện mới", ông nói.