Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Toàn bộ chính phủ Nga từ chức mở đường cho việc sửa hiến pháp

Động thái mới nhất một lần nữa làm bùng lên những suy đoán về tính toán của Tổng thống Putin cho tương lai của ông vào năm 2024, khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc.

Toàn bộ chính phủ của ông Medvedev từ chức cùng lúc với quyết định rút lui của ông Medvedev để tạo điều kiện cho Tổng thống Vladimir Putin sửa đổi hiến pháp.

Thông báo bất ngờ, được đưa ra ngay sau khi ông Putin thông báo về trưng cầu dân ý toàn quốc về những thay đổi sâu rộng sẽ chuyển quyền lực từ tổng thống sang quốc hội, có nghĩa là Nga cũng sẽ có một thủ tướng mới, theo Reuters.

Ông Medvedev đưa ra thông báo trên truyền hình nhà nước, ngồi cạnh ông Putin. Tổng thống Nga đã cảm ơn ông Medvedev, một đồng minh thân thiết.

"Chúng ta nên cung cấp cho tổng thống của đất nước chúng ta khả năng thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết" để thực hiện các thay đổi, ông Medvedev nói. "Mọi quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra bởi tổng thống".

toan bo chinh phu nga tu chuc anh 1

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nga Medvedev hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

Ông Putin nói rằng ông Medvedev sẽ đảm nhận vai trò mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nơi tổng thống Nga đang làm chủ tịch.

Ông Putin yêu cầu chính phủ sắp mãn nhiệm ở lại làm việc cho đến khi một chính phủ mới được bổ nhiệm.

Với tư cách là tổng thống hoặc thủ tướng từ năm 1999, ông Putin, 67 tuổi, dự kiến rời nhiệm sở vào năm 2024 khi nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông kết thúc.

Ông chưa nói ông dự định làm gì khi hết nhiệm kỳ, nhưng theo hiến pháp hiện hành, vốn không cho phép một người làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin sẽ không thể tái tranh cử ngay sau đó.

Ông Putin nói với giới tinh hoa chính trị của đất nước trong bài phát biểu hàng năm hôm 15/1 rằng ông ủng hộ việc thay đổi hiến pháp để trao cho Duma Quốc gia, tức hạ viện Nga, quyền chọn thủ tướng Nga và các vị trí chủ chốt khác.

"Tất nhiên đây là những thay đổi rất nghiêm trọng đối với hệ thống chính trị", ông Putin nói và cho biết thêm rằng ông nghĩ quốc hội và xã hội dân sự đã sẵn sàng cho những thay đổi này.

"Việc này sẽ giúp gia tăng vai trò và tầm quan trọng của quốc hội... của các đảng, cũng như sự độc lập và trách nhiệm của thủ tướng".

Bình luận của ông Putin có thể lại làm dấy lên những suy đoán về kế hoạch của ông sau khi nhiệm kỳ tổng thống hiện tại kết thúc vào năm 2024.

Phe chỉ trích từ lâu đã cáo buộc ông Putin toan tính ở lại, giữ vai trò nào đó, để tiếp nắm giữ quyền lực tại quốc gia lớn nhất thế giới sau khi ông mãn nhiệm. Ông vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều người Nga, những người coi ông là nhà lãnh đạo có thể đem lại sự ổn định cần thiết, ngay cả khi có ý những ý kiến chỉ trích việc ông nắm quyền quá lâu.

Giới quan sát cho rằng ông Putin đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau để duy trì vị trí lãnh đạo, bao gồm cả việc chuyển quyền lực sang quốc hội và sau đó đảm nhận vai trò thủ tướng, với vai trò lớn hơn, sau khi ông từ chức năm 2024.

Một lựa chọn khác thường được đề cập là ông sẽ đứng đầu một Hội đồng Nhà nước, cơ quan mà ông Putin hôm 15/1 nói ông nghĩ nên được trao thêm quyền hạn theo hiến pháp.

Toàn bộ chính phủ từ chức - địa chấn chính trường Nga

Với bài phát biểu thông điệp liên bang năm nay, ông Putin dường như đã khởi động quá trình chuyển giao để chuẩn bị cho một tương lai của nước Nga khi ông không còn làm tổng thống.

Khả năng TT Putin mở rộng quyền lực qua cải cách hiến pháp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất những thay đổi hiến pháp sẽ giúp ông mở rộng phạm vi nắm quyền sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm