Trong động thái khiến người Nga và các nhà quan sát quốc tế bất ngờ, thủ tướng và chính phủ Nga đã từ chức hôm 15/1. Dmitry Medvedev, thủ tướng sắp mãn nhiệm đã phục vụ 8 năm, cho biết các quan chức chính phủ từ chức để nhường chỗ cho ông Putin thực hiện những thay đổi mà ông mong muốn.
Theo CNN, chưa đầy ba giờ sau, ông Putin đã chỉ định Giám đốc cục thuế liên bang Mikhail Mishustin, 53 tuổi, một nhà kỹ trị tương đối xa lạ, làm thủ tướng mới.
Trong thông điệp liên bang hàng năm trước quốc hội, TT Putin nói ông muốn đưa "toàn bộ gói sửa đổi được đề xuất" vào một cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters. |
Các nhà quan sát đang tìm các chỉ dấu về cách ông Putin có thể cải tổ hệ thống chính trị trước năm 2024, khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Putin nói rằng các biện pháp sẽ "tăng vai trò của quốc hội và các đảng nghị viện, quyền hạn và sự độc lập của thủ tướng và tất cả các thành viên nội các". Ông nói thêm rằng Nga vẫn nên là một "nước cộng hòa tổng thống mạnh mẽ".
Trong khi ông Putin hứa sẽ không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 3, một điều mà hiện tại là vi hiến, phần lớn các nhà phân tích đồng ý rằng ông Putin đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của chính ông vượt ra ngoài nhiệm kỳ tổng thống.
Ông có thể đang cố gắng tạo ra vai trò mới cho chính mình khi bước sang tuổi 71.
"Putin muốn tạo ra các điều kiện và cơ chế không chỉ để kiểm soát tổng thống tương lai, mà còn giúp ông ấy, theo một cách nào đó", Tatiana Stanovaya, chuyên gia chính trị và người sáng lập nhóm tư vấn R.Politik, nói với Al Jazeera.
Nhà báo và nhà phân tích chính trị người Nga Fyodor Lukianov nói rằng dường như "quá trình chuyển đổi quyền lực" đã bắt đầu.
"Những thay đổi hiến pháp do Putin đề xuất có một thiết kế rõ ràng: ông muốn hệ thống chính trị được đa dạng hóa. Nhưng vừa phải, không thay đổi hoàn toàn. Ông sẵn sàng tạo ra vị trí mới cho chính mình, đưa vào hiến pháp quyền lực gia tăng cho người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Nga", Lukianov nhận xét.
Đồ họa: WSJ. |
"Có tin đồn rằng Putin có thể lãnh đạo Hội đồng Nhà nước mới thay vì trở thành thủ tướng mới", Oleg Ignatov, thành viên nhóm cố vấn Center For Current Policy, nói với CNN.
"Nếu điều này xảy ra, có thể ông ấy sẽ là người ra quyết định. Ông ấy sẽ không quan tâm đến các chi tiết kỹ thuật, nhưng mọi thứ sẽ nằm trong tầm kiểm soát của ông ấy".
Lần gần đây nhất Nga tiến hành trưng cầu dân ý là vào năm 1993 khi nước này thông qua hiến pháp hiện hành dưới thời người tiền nhiệm của ông Putin, ông Boris Yeltsin.
Ông Putin chưa đưa ra ngày cụ thể cho cuộc trưng cầu dân ý được đề xuất. Hạ viện sẽ bỏ phiếu về việc có phê chuẩn Mishustin làm thủ tướng mới hay không vào ngày 16/1.
Chính phủ hiện tại sẽ tiếp tục công việc của mình cho đến khi ông Putin chọn nội các mới để giám sát các thay đổi hiến pháp đối với các hệ thống và cấu trúc quyền lực của Nga.