Đã có những khoảnh khắc người ta thấy ông Medvedev ngủ gật trong khi ông Putin đang phát biểu, không chỉ một mà là nhiều lần.
Cáo buộc tham nhũng
Theo Guardian, những điều này có thể đã được bỏ qua. Song chính những cáo buộc về tham nhũng cá nhân có thể đã làm suy yếu ông Medvedev một cách chí tử, dẫn đến việc ông Putin tìm một quan chức ngành thuế ít tên tuổi, Mikhail Mishustin, để thay thế.
Trong một video năm 2017, đến nay đã có 33 triệu lượt xem YouTube, lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny cáo buộc ông Medvedev bí mật sở hữu cung điện, du thuyền và một vườn nho ở Italy.
Ông Medvedev mang giày Nike Air Max. Ảnh: Guardian được cung cấp. |
Ông Medvedev bị cáo buộc đã nhờ một người bạn mua sắm trên mạng giúp ông. Hình ảnh thủ tướng Nga mang đôi giày chạy bộ Nike dường như đã xác nhận điều này. Cũng người bạn này được cho là người đứng tên sở hữu các tài sản bị che giấu của ông Medvedev.
Video nói vị thủ tướng đã biển thủ 1,2 tỷ USD. Cuộc điều tra rất hấp dẫn và hài hước, bao gồm các cảnh quay ông Medvedev nhảy múa với những người bạn nối khố của mình.
Ông Medvedev nói những cáo buộc này là "nhảm nhí". Tuy nhiên, những cáo buộc như vậy đã gây ra "thương tích" nghiêm trọng cho hình ảnh của chính phủ vào thời điểm mà mức sống của người dân Nga đã giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014.
Thông báo về việc sửa đổi hiến pháp hôm 15/1 dường như báo hiệu dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Medvedev. Ông có công việc mới: phó chủ tịch hội đồng an ninh.
Những thay đổi cho thấy quyền lực sẽ vẫn thuộc về ông Putin sau khi nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 kết thúc vào năm 2024, mặc dù hiện tại vai trò trong tương lai của ông Putin không rõ ràng.
Đó là kết thúc ít vinh quang cho ông Medvedev, tổng thống thứ 3 của Nga, sau ông Boris Yeltsin và ông Putin. Khi ông Medvedev đảm nhận vị trí vào năm 2008, các nhà quan sát phương Tây đã tìm kiếm trong vô vọng những dấu hiệu cho thấy ông là nhà lãnh đạo có tư tưởng cởi mở hơn ông Putin.
Sau khi cố gắng thiết lập lại quan hệ với Moscow, chính quyền Obama đã kết luận rằng bất kỳ sự khác biệt nào giữa ông Putin và ông Medvedev đều chỉ là về phong cách.
Cái bóng 30 năm
Năm 2008, Đại sứ quán Mỹ gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ một câu chuyện đùa đang lan truyền tại Moscow. Ông Putin khi đó ngồi vào ghế cũ của ông Medvedev - thủ tướng.
Câu hỏi của các học giả Nga và nước ngoài: Ai trong hai người mới là lãnh đạo thực sự của Nga? Người ta nói có cả một phe Medvedev cấp tiến bên trong Điện Kremlin. Song điều không rõ là liệu Medvedev có ở trong nhóm đó.
Bức điện bị rò rỉ nói: "Medvedev ngồi ở ghế lái của chiếc xe mới, kiểm tra bên trong, bảng điều khiển và bàn đạp. Ông nhìn xung quanh, nhưng không thấy vô lăng. Ông quay sang Putin và hỏi: 'Vladimir Vladimirovich, vô lăng ở đâu?' Putin rút một chiếc điều khiển từ xa ra khỏi túi và nói: 'Tôi sẽ là người lái xe'".
Ông Putin và ông Medvedev tập thể dục tại Sochi năm 2015. Ảnh: Rex/Shutterstock. |
Giai thoại này rất tàn nhẫn, nhưng minh họa một sự thật được thừa nhận bởi những người Nga bình thường và giới thượng lưu Kremlin hôm 15/1: trong suốt sự nghiệp chính trị lâu dài và hầu như mờ nhạt, ông Medvedev chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của ông Putin. Một bức điện bí mật khác của Mỹ mô tả ông đóng vai "Robin của Người Dơi Putin". Điều đó cũng chính xác.
Đến năm 2010, những hy vọng rằng ông Medvedev có thể điều khiển việc tự do hóa một phần xã hội Nga biến mất. Những bài diễn văn nghe có vẻ cấp tiến và các cuộc tấn công nhằm vào "thuyết vô chính phủ hợp pháp" đã không thể biến thành hành động chính trị cụ thể.
Ông Putin vẫn là lãnh đạo của Nga trong thực tế, nắm quyền chi phối đặc biệt là chính sách đối ngoại vẫn mang giọng điệu chống phương Tây.
Ông Putin "trở lại" với vai trò tổng thống vào năm 2012. Ông Medvedev trở về là vị thủ tướng dễ bảo. Nga trở về với mô hình nền lãnh đạo "một người", vốn kéo dài hàng thế kỷ ở Nga và Liên Xô. Ở nước ngoài, ông Putin vẫn "diều hâu"; ở trong nước, chính sách mạnh tay hơn với các tổ chức xã hội dân sự và các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố.
Ông Putin và ông Medvedev uống trà tại khu nghỉ dưỡng ở miền Nam Nga năm 2014. Ảnh: AP. |
Từ St. Petersburg đến Moscow
Sự vươn lên của ông Medvedev trong nền chính trị gần như hoàn toàn nhờ vào mối quan hệ giữa ông với ông Putin. Cả hai người đều đến từ Leningrad. Trong khi ông Putin trải qua thời thơ ấu khó khăn, thì ông Medvedev lớn lên trong gia đình khá giả hơn.
Ông gần như không có khuynh hướng nổi loạn, phá vỡ hệ thống đã được thiết lập. Ông tập tạ và nghe nhóm nhạc rock Anh Deep Purple (sau này họ chơi cho ông nghe tại Điện Kremlin).
Ông Medvedev muốn học ngôn ngữ học nhưng cuối cùng đã học luật, nhập học mùa thu năm 1982 tại Đại học bang Leningrad. Chính quan hệ với Anatoly Sobchak, thầy giáo dạy về luật dân sự, đã đưa ông vào cơ quan nhà nước.
Ông Medvedev và ông Putin câu cá trên sông Volga ở Astrakhan năm 2011. Ảnh: Reuters/RIA Novosti. |
Năm 1990, ông Sobchak trở về từ Moscow - nơi ông là nghị sĩ - và gia nhập hội đồng thành phố Leningrad, trở thành chủ tịch. Ông Sobchak đã tuyển dụng ông Medvedev làm cố vấn cho mình - và cũng tiếp nhận một học sinh cũ, ông Putin, người khi đó là nhân viên KGB bí mật vừa trở về từ Đông Đức.
Ông Medvedev lần đầu gặp ông Putin vào năm 1990, khi ông Putin là người đứng đầu ủy ban ngoại vụ và ông Medvedev làm cố vấn cho ủy ban. Ủy ban họp vài lần trong tuần tại Viện Smolny, tòa nhà được xây theo lối tân cổ điển mà Lenin từng sử dụng làm trụ sở trong Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Hai người trở thành bạn bè thân thiết.
Ông Putin, hơn ông Medvedev 8 tuổi, là người có tiếng nói hơn trong 2 người, và điều đó đã kéo dài suốt 30 năm.
Ông Medvedev từng là luật sư riêng của ông Putin, và khi ông Putin trở thành thủ tướng Nga năm 1999, ông đã đưa các đồng minh quan trọng ở St. Petersburg đến Moscow cùng ông, bao gồm cả ông Medvedev.
Ông Putin cho ông Medvedev làm phó thủ tướng thứ nhất và sau đó là tổng thống. Với sự ra đi của ông Medvedev, Nga có thể mong đợi kỷ nguyên Putin vẫn tiếp diễn - đến năm 2024 và sau đó.