Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ thuật rời đi và nước cờ cao tay của TT Putin

Ông Putin đề xuất thay đổi đối với hệ thống với quá nhiều quyền lực tập trung vào tổng thống hiện tại, để tạo ra hệ thống phân quyền, có những cơ chế kiểm soát và cân bằng tốt hơn.

Vài năm trước, vì lý do nào đó chưa bao giờ được giải thích, Tổng thống Nga Vladimir Putin "biến mất" trước công chúng trong hơn một tuần khiến Moscow rộ lên đồn đoán về chuyện gì đã xảy ra với ông.

Xuất hiện trở lại, ông gạt chuyện đó đi, và nói “cuộc sống sẽ nhàm chán nếu không có những tin đồn”.

Sự kiện đó cho thấy một khía cạnh trong chính trị Nga: sau 20 năm dưới quyền ông Putin, bộ máy chính trị Nga “phát hoảng” vì sự vắng mặt của ông Putin nhiều hơn là khi ông có mặt.

Có lẽ vì vậy, ông đã dùng sự kiện lớn như thông điệp liên bang hôm 15/1 để bất ngờ công bố sắp xếp lại chính phủ, bốn năm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Nga thay toan bo noi cac anh 1

Tổng thống Putin tuyên bố thay thế thủ tướng, thành lập chính phủ mới, đề xuất sửa đổi hiến pháp trong thông điệp liên bang ngày 15/1. Ảnh: AFP.

Phân tán quyền lực trước lúc nghỉ hưu

Ông đứng trước câu hỏi lớn: liệu ông có thể rời khỏi quyền lực mà không khiến nền chính trị cứng nhắc của Nga rơi vào hỗn loạn, để rồi di sản của ông bị đe dọa, New York Times bình luận.

"Đối với hầu hết các lãnh đạo chuyên chính, tình thế luôn khá nguy hiểm khi rời quyền lực”, Daniel Treisman, giáo sư chính trị tại Đại học California - Los Angeles, nói với New York Times. “Mọi chuyện phải đang rất tốt, hệ thống phải thực sự ổn định, thì mới có thể rời quyền lực mà không ảnh hưởng gì”.

Trên góc độ lịch sử, “gói nghỉ hưu” của những nhà lãnh đạo như vậy không mấy hấp dẫn. Xu hướng này cũng đúng ở Nga. Trong 100 năm trước khi ông nắm quyền năm 2000, chỉ ba trong số 9 lãnh đạo có thể nghỉ hưu.

Thay đổi hiến pháp mà ông Putin vừa thực hiện cho thấy ông muốn an toàn và ngăn sự đấu đá nội bộ, trong trường hợp ông không tiếp tục giữ chức tổng thống khi nhiệm kỳ kết thúc vào 2024. Điểm mấu chốt ở đây là tín hiệu rằng ông không ý định từ bỏ quyền lực sau khi thôi chức tổng thống.

“Ông ấy khó có thể giao hẳn lại ghế cho người khác”, và rời đi một cách an toàn, Sergey Belanovsky, nhà xã hội học, nhà quan sát chính trị Nga, nói với New York Times.

Nga thay toan bo noi cac anh 2

Ông Mikhail Mishustin nhanh chóng được quốc hội phê chuẩn chức vụ thủ tướng sau khi được ông Putin đề xuất. Ảnh: Reuters.

Trong hệ thống chính trị Nga, các nhóm lợi ích gồm doanh nghiệp, tướng lĩnh, lãnh đạo các địa phương, trùm tình báo, trùm dầu lửa tranh giành quyền lực, tiền bạc, đa phần đằng sau hậu trường. Họ công bố “kompromat”, tức những thông tin bê bối về nhau, tìm cách đẩy đối thủ vào tù hoặc buộc họ phải lưu vong.

Theo New York Times, Tổng thống Putin thường xuyên là người giải quyết các tranh chấp này, không để mâu thuẫn trở nên mất kiểm soát.

Khi ông Putin nghỉ hưu, không còn giữ vai trò này nữa, “có thể có những đối đầu nội bộ”, Konstantin Gaaze, nhà xã hội học của Trường Khoa học Xã hội và Kinh tế Moscow, chuyên gia về những mạng lưới ngầm trên, nói với New York Times.

Một số cuộc đấu đá đã “tràn” lên mặt báo. Năm 2017, cựu bộ trưởng phụ trách kinh tế, thuộc phe cấp tiến trong chính trị Nga, Aleksei Ulyukayev, và trùm doanh nghiệp dầu quốc gia Igor Sechin vướng vào cuộc chiến như vậy. Cuối cùng, ông Ulyukayev đi tù vì tội nhận hối lộ 2 triệu USD - tội danh mà ông nói là bịa đặt.

Những thay đổi mà ông Putin thi hành dường như là để ông vẫn giữ vị trí hòa giải những tranh giành trên. Theo đó, ghế tổng thống sẽ phải trao bớt quyền lực cho quốc hội Nga và cơ quan mang tên Hội đồng An ninh Quốc gia. Như vậy, chức tổng thống mất đi nhiều quyền lực trước khi người kế nhiệm của ông nhậm chức.

Một thay đổi khác nhằm bảo vệ ông Putin tránh các vụ kiện quốc tế, chẳng hạn như do vụ phiến quân thân Nga ở Ukraine bắn rơi máy bay Malaysian Airlines năm 2014. Ông Putin đề xuất cấm việc thực thi các hiệp ước nếu trái với Hiến pháp Nga.

Thể hiện uy quyền, ngăn ngừa phe phái

Giáo sư xã hội học Gaaze cho biết ông Putin có thể giữ bất kỳ cương vị nào sau này - thủ tướng, lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia, hoặc chủ tịch một đảng chiếm đa số trong quốc hội - mà vẫn đạt được mọi mục tiêu: vừa thôi giữ chức tổng thống, vừa bảo vệ được bản thân và giữ ổn định cho hệ thống chính trị.

Theo một luật thông qua năm 2001, ông Putin sẽ bị miễn truy tố, và sẽ được lương hưu 9.500 USD/tháng khi nghỉ hưu.

Trên giấy tờ, ông chỉ có khoản tiết kiệm khiêm tốn: một căn hộ, một garage, ba chiếc xe và một chiếc xe trailer dùng để cắm trại, theo bản khai báo tài sản của ông năm 2018.

Nga thay toan bo noi cac anh 3

Tòa nhà chính phủ Nga ở Moscow, nơi làm việc chính thức của thủ tướng. Ảnh: AFP.

“Có một điều chắc chắn: ông Putin đề xuất những thay đổi đối với hệ thống hiện tại với quá nhiều quyền lực tập trung vào tổng thống, để tạo ra hệ thống phân quyền, có những cơ chế kiểm soát và cân bằng hơn”, Vladimir Minov, cựu thứ trưởng phụ trách năng lượng và một lãnh đạo đối lập, cho biết. Sự phân quyền đó cơ bản sẽ cho phép ông Putin kiểm soát được tổng thống kế nhiệm.

Ngày 16/1, ông Putin phát biểu trước hội đồng được thành lập một cách gấp gáp nhằm phác thảo những điều chỉnh cho hiến pháp. Ông hé lộ đôi chút về kế hoạch của mình, và cho biết dự định làm cho hệ thống chính trị của Nga trở nên “mở hơn”.

Có lẽ nhằm “đánh tiếng” về tương lai của mình, ông nhấn mạnh việc Hội đồng An ninh Quốc gia mở rộng quyền lực, đề xuất đưa hội đồng thành một cơ quan được quy định chính thức trong hiến pháp.

Ông nói hội đồng này nên cân nhắc cẩn thận vai trò của mình, và “đây là chuyện khá tế nhị”, ông nói. “Chúng ta nên chú ý cẩn thận về cách viết ra điều lệ của Hội đồng An ninh Quốc gia, các quyền lợi... Đó là những yếu tố hết sức quan trọng”.

Hiện hội đồng chỉ là cơ quan cố vấn với 85 thống đốc và một số quan chức, trong đó gồm các lãnh đạo đảng chính trị. Số người tham dự nhiều đến mức cuộc họp thường lấp đầy cả hội trường trong điện Kremlin.

Ông Belanovsky, nhà quan sát chính trị Nga, cho rằng việc “đánh tiếng” về ý định nắm giữ ảnh hưởng là điều quan trọng để giảm bớt cuộc chạy đua tranh giành quyền lực mà ông Putin đang nắm giữ.

“Bạn không thể bán da gấu...”, ông Belanovsky ví von bằng một câu thành ngữ Nga, ý nói nếu ông Putin vẫn còn đó, sẽ tránh được một cuộc tranh giành “tương tàn” nhằm chiếm lấy quyền lực.

Toàn bộ nội các Nga từ chức sau khi TT Putin sửa đổi hiến pháp Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố ông và toàn bộ chính phủ Nga từ chức sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sửa đổi hiến pháp hôm 15/1.

Kế hoạch bất ngờ của TT Putin khi thay thế toàn bộ chính phủ

Những thay đổi bất ngờ của Putin được đề xuất, mở đường cho ông tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào năm 2024.

Cú sốc thủ tướng Nga từ chức và kế hoạch của TT Putin sau năm 2024

Quyết định của Tổng thống Putin về việc thành lập chính phủ mới được đưa ra đầy bất ngờ. Cả những bộ trưởng Nga dường như cũng không được báo trước việc họ phải từ chức.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm