“Chính trị đâu phải chỉ như cờ vua”, ông Wickremesinghe trả lời phỏng vấn năm 2014, theo Reuters. “Nó là sự phối hợp đồng đội như môn cricket. Nó là việc bạn cần sức bền để chạy marathon”.
Câu trả lời ấy gói gọn cách ông Wickremesinghe, người 6 lần giữ chức thủ tướng, hoàn thành tham vọng tổng thống mà chính trị gia này từng theo đuổi trong hàng chục năm.
Ngày 20/7, ông dễ dàng đánh bại đối thủ chính, ông Dullus Alahapperuma, với kết quả 134 phiếu so với 82 phiếu trong cuộc bỏ phiếu quốc hội. Nhưng người biểu tình không mấy mặn mà với ông Wickremesinghe.
“Tôi không thể tin nổi 134 người - những nghị sĩ lẽ ra phải đại diện cho người dân - đã hoàn toàn bỏ qua mong muốn của người dân”, nhà hoạt động Jeana De Zoysa nói với BBC.
Ông Ranil Wickremesinghe được bầu làm tân tổng thống Sri Lanka vào ngày 20/7. Ảnh: Reuters. |
Khôn ngoan hơn "cáo già"
Ông Wickremesinghe là cháu của cố Tổng thống Junius Jayewardene, một trong những nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Sri Lanka với 12 năm tại vị. Vị cố tổng thống nổi danh với biệt hiệu “cáo già”, nhưng cháu ông được đánh giá là đã vượt qua chú về tài lèo lái chính trường Sri Lanka.
Năm 1977, ông Wickremesinghe đặt chân vào chính trường sau khi được chú bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Giới bình luận đùa rằng tên viết tắt cho đảng Quốc gia Thống nhất (UNP) của họ thực tế có nghĩa là “chú và cháu” (“uncle” và “nephew” trong tiếng Anh).
Các thành viên trong gia đình kể rằng ông Jayewardene, mất năm 1996, từng bày tỏ nguyện vọng muốn đảm bảo cháu trai trở thành tổng thống “dù chỉ trong một ngày”.
45 năm sau, ông Wickremesinghe được đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (SLPP) ủng hộ mạnh mẽ trở thành nhà lãnh đạo mới vào ngày 20/7. SLPP cũng là đảng của Tổng thống lưu vong Gotabaya Rajapaksa.
Ông Wickremesinghe từng hai lần ra tranh cử tổng thống Sri Lanka, lần lượt vào năm 1999 và 2005, nhưng thua cả hai. Tới năm 2020, đảng UNP của ông thất bại thảm hại trong bầu cử quốc hội, khiến ông Wickremesinghe là thành viên duy nhất của đảng giữ ghế nghị sĩ.
Tuy tài năng chính trị đã giúp ông Wickremesinghe bám trụ và ngồi vào ghế tổng thống, thách thức đối với chính trị gia 73 tuổi này còn rất lớn. Trước mắt ông là cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất của Sri Lanka trong vòng 70 năm qua.
Lực lượng an ninh đứng gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội Sri Lanka trong quá trình cơ quan này bầu cử tân tổng thống vào ngày 20/7. Ảnh: Reuters. |
Dù ông Wickremesinghe được đảng SLPP hậu thuẫn, những người biểu tình vẫn yêu cầu vị tổng thống đắc cử từ chức. Họ cáo buộc ông Wickremesinghe bảo vệ lợi ích của gia tộc Rajapaksa.
Giới phân tích nhận định ông Wickremesinghe sẽ có hành động cứng rắn nếu người biểu tình xuống đường phản đối vị tân tổng thổng.
Từng bị người biểu tình đốt nhà
Ông Wickremesinghe kết hôn với bà Maithree, một giảng viên dạy tiếng Anh. Do không có con, hai người viết trong di chúc sẽ để lại tài sản cho trường cũ của ông Wickremesinghe và trường đại học nơi cả hai từng theo học.
Nhưng một trong số tài sản ấy - kho sách đồ sộ gồm hơn 2.500 cuốn của hai vợ chồng - đã bị hủy hoại sau khi nhà riêng của ông Wickremesinghe bị người biểu tình phóng hỏa trong tháng 7, bên cạnh những thiệt hại khác.
Ông Wickremesinghe được sinh ra trong gia đình giàu có với mối quan hệ chính trị rộng, có xuất phát điểm trong lĩnh vực đồn điền và xuất bản. Ông bắt đầu làm việc với tư cách phóng viên mới vào nghề cho một tờ báo của gia đình.
Sau khi công ty gia đình được quốc hữu hóa vào năm 1973 theo lệnh của Thủ tướng Sirima Bandaranaike, cũng là thủ tướng nữ giới đầu tiên của thế giới, ông Wickremesinghe chuyển sang làm trong lĩnh vực pháp lý.
“Nếu công ty Lake House không bị (nhà nước) tiếp quản, tôi đã trở thành nhà báo. Tức là trên thực tế, chính bà Bandaranaike đã đẩy tôi vào chính trị”, ông Wickremesinghe trước đó nói với AFP.
Người biểu tình ngày 19/7 hô hào đòi ông Wickremesinghe từ chức. Ảnh: Reuters. |
Lần đầu ông Wickremesinghe được bổ nhiệm làm thủ tướng là sau khi Tổng thống Ranasinghe Premadasa bị ám sát bằng bom vào tháng 5/1993. Thủ tướng khi ấy, ông Dingiri Wijetunga, trở thành tổng thống và chọn ông Wickremesinghe thay thế.
Sáu năm sau, ông Wickremesinghe được cho là để mất cơ hội ngồi vào ghế tổng thống cũng vì đòn tấn công tương tự. Đối thủ tranh cử của ông, bà Chandrika Kumaratunga, bị thương vì trúng bom chỉ 3 ngày trước thời điểm bỏ phiếu.
Cả đất nước đều rơi lệ trước hình ảnh bà Kumaratunga xuất hiện trên tivi với miếng bịt mắt ở bên mắt phải. Bà cuối cùng nhận được lượng lớn phiếu bầu, trong khi ông Wickremesinghe thất bại trong cuộc bầu cử mà nhiều người đánh giá là ông sẽ thắng.
Bê bối ngân hàng
Ông Wickremesinghe có hình ảnh tương đối liêm khiết trong chính trường Sri Lanka. Nhưng hình ảnh ấy đã chịu ảnh hưởng trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 5, giai đoạn 2015-2019, khi chính quyền của ông gặp bê bối lừa đảo giao dịch nội gián liên quan tới trái phiếu ngân hàng trung ương.
Một trong những bị cáo chủ chốt là thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka. Người này được ông Wickremesinghe bổ nhiệm và cũng là bạn học cũ của vị thủ tướng, từ đó làm phát sinh cáo buộc thiên vị với người quen.
Ông Wickremesinghe cũng bị cáo buộc bảo vệ các thành viên của gia tộc Rajapaksa dù những người này bị nghi vấn có hành vi nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và giết người.
Nhà riêng ông Wickremesinghe bị người biểu tình phóng hỏa hôm 10/7. Ảnh: Reuters. |
Trên cương vị tổng thống, ông Wickremesinghe sẽ cầm lái một đất nước mất khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và thiếu tài chính để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.
Với hình ảnh là người theo chủ nghĩa cải cách, thân phương Tây và có xu hướng nghiêng về thị trường tự do, ông Wickremesinghe có thể giúp làm quá trình đàm phán gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và chủ nợ nước ngoài trở nên trơn tru hơn.
Nhưng từ trước, ông Wickremesinghe đã cảnh báo sẽ không có biện pháp nào có thể nhanh chóng khắc phục những khó khăn kinh tế chưa từng có tiền lệ của Sri Lanka.
“Những điều xấu nhất còn chưa tới. Chúng ta hiện có mức lạm phát rất cao nhưng siêu lạm phát đang trên đường tới đây”, ông Wickremesinghe phát biểu trước quốc hội trong tháng 7. “Chúng ta đã phá sản rồi”.