Một số phương án có thể được xem xét gồm tăng số thẩm phán hoặc đặt ra giới hạn thời gian nhiệm kỳ của thẩm phán, thay vì quy chế nhiệm kỳ trọn đời như hiện nay, Reuters đưa tin.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ủy ban sẽ có sự đại diện của mọi lực lượng chính trị, gồm các học giả pháp lý của hai phe tự do và bảo thủ, các cựu thẩm phán liên bang, hay những luật sư từng tham gia các phiên xử của Tòa án Tối cao.
Các phiên họp của ủy ban sẽ được tổ chức công khai. Ủy ban có 180 ngày làm việc trước khi nộp báo cáo cuối cùng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP. |
Số lượng thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ được duy trì ở con số 9 kể từ năm 1869. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ có thẩm quyền thay đổi con số này.
So với đó, việc đặt ra giới hạn thời gian nhiệm kỳ phức tạp hơn, vì nhiều khả năng sẽ dẫn tới thay đổi hiến pháp.
Cải tổ Tòa án Tối cao, trong đó có mở rộng số lượng thẩm phán, là một trong những mục tiêu hàng đầu của đảng Dân chủ nhằm chấm dứt ưu thế đa số của phe Cộng hòa. Tòa án Tối cao hiện có 6/9 thẩm phán là người của phe Cộng hòa.Đa số bảo thủ tại Tòa án Tối cao có khả năng đe dọa quyền lập pháp của phe Dân chủ, dù đảng này hiện kiểm soát Nhà Trắng cũng như lưỡng viện quốc hội.
Trong nhiệm kỳ bốn năm của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đề cử thành công 3 thẩm phán bảo thủ vào Tòa án Tối cao, mang lại lợi thế đa số 6 - 3 cho đảng Cộng hòa.
Lần cuối cùng kế hoạch mở rộng số thẩm phán Tòa án Tối cao được khởi động là vào thập niên 1930 dưới thời Tổng thống Dân chủ Franklin Roosevelt, sau khi nhiều chính sách của ông bị Tòa án Tối cao ngăn chặn. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó thất bại.