Theo Reuters, Tòa Tối cao của Mỹ hôm 5/4 đã tuyên bố kết thúc cuộc chiến pháp lý, trong một nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump kháng cáo quyết định của tòa án cấp dưới cho rằng ông vi phạm hiến pháp tự do quyền ngôn luận và mong muốn ngăn chặn các nhà phê bình theo dõi tài khoản Twitter của mình. (Dù tài khoản của ông Trump hiện đã bị Twitter khóa vĩnh viễn).
Cụ thể, ông Trump không đồng tình với kết luận của tòa phúc thẩm cho rằng ông vi phạm Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ khi chặn những người chỉ trích ông trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, các thẩm phán của Tòa Tối cao đã từ chối kháng cáo của ông Trump và quyết định đóng lại vụ kiện. Mặc dù có đến 6/9 thẩm phán thuộc phe bảo thủ, không ai lên tiếng phản đối quyết định trên.
Cựu Tổng thống Donald Trump rất hay dùng Twitter cho các chiến dịch quảng bá hình ảnh của mình. Ảnh: Deadline. |
Clarence Thomas, một thẩm phán phe bảo thủ, đã đăng quan điểm riêng lên mạng xã hội sau phiên toà. Người này lặp lại những lo ngại của đảng Cộng hòa về ảnh hưởng của các công ty mạng xã hội như Twitter, và cho rằng chính phủ Mỹ cần phải có động thái can thiệp.
“Chúng tôi sẽ sớm đưa ra các học thuyết pháp lý áp dụng cho các lĩnh vực chứa nhiều thông tin cá nhân riêng tư như nền tảng kỹ thuật số,” ông Thomas viết.
Theo ông, các công ty mạng xã hội, với tư cách là các tổ chức tư nhân kiểm duyệt nội dung của người dùng, sẽ phải tuân thủ quy định đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng, giống như các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác.
Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thường xuyên chỉ trích các công ty công nghệ nhưng theo những cách khác nhau. Đảng Cộng hòa cho rằng các nền tảng này đã phân biệt đối xử với những người bảo thủ, trong khi phía Dân chủ cho rằng các công ty chưa đủ quyết liệt trong việc loại bỏ thông tin sai lệch và nội dung cực đoan.