Những tuần qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục xuất hiện tại các sự kiện của đảng Cộng hòa. Ông cũng thường xuyên đưa ra những thông điệp để kết nối với cử tri và động viên người ủng hộ.
Nhưng tất cả nỗ lực ấy dường như không thể đảo ngược một thực tế, rằng khi không còn chiếc "loa phóng thanh" - tài khoản Twitter với gần 100 triệu người theo dõi, sự chú ý của cử tri dành cho ông Trump đang dần tiêu tan.
Giảm dần sức hút với cử tri
Hôm 6/4, cựu Tổng thống Trump xuất hiện trên sóng truyền hình. Trong khoảng 30 phút, ông đưa ra một số đánh giá về các vấn đề chính trị nội bộ Mỹ, chính sách đối ngoại, cùng những tranh cãi khác đang nổi lên trong thế giới chính trị, theo Washington Post.
Thông điệp của ông Trump hôm 6/4 không khiến người nghe bất ngờ, nó cũng tương tự những gì các phát thanh viên của kênh truyền hình cánh hữu Newsmax thường đọc trong các bản tin.
Ông Trump tiếp tục nói về cuộc bầu cử 2020 với cáo buộc chiến thắng của mình bị đánh cắp. Nhưng luận điểm của cựu tổng thống đã thay đổi chút ít, so với những cáo buộc đưa ra cuối năm 2020.
Ông Trump tuyên bố tranh cử tháng 6/2015. Ảnh: Getty. |
Trước đây, đảng Cộng hòa đã chỉ trích việc phe Dân chủ thay đổi quy định, thủ tục bỏ phiếu ở một số tiểu bang trước thềm bầu cử năm 2020. Đảng Cộng hòa cho rằng việc thay đổi luật chỉ vài tháng trước tổng tuyển cử là vi phạm hiến pháp.
Lối công kích như vậy giúp phe Cộng hòa khoét sâu vào cái mà họ cáo buộc là những hành vi sai phạm đảng Dân chủ, đồng thời tránh nhắc tới những luận điệu về gian lận bầu cử vô căn cứ của cựu Tổng thống Trump.
Giờ đây, đến lượt ông Trump sử dụng lập luận này để chối bỏ thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, khi ông đã thua toàn diện đối thủ Joe Biden cả về số phiếu phổ thông lẫn lá phiếu đại cử tri.
Những gì cựu Tổng thống Trump phát biểu về cáo buộc gian lận bầu cử, dù vô lý tới đâu, vẫn thu hút được một lượng cử tri nhất định. Tới nay, vẫn có một lượng lớn cứ tri trung thành dõi theo những lần xuất hiện của cựu tổng thống trên Newsmax.
Có một sự thật là, khi ông Trump vẫn tiếp tục đưa ra cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử, vẫn có những cử tri sẵn sàng lắng nghe và trao trọn niềm tin vào những cáo buộc ấy.
Nhưng cũng có một sự thật khác, sức hút của ông Trump đối với các cử tri đang dần sụp đổ.
Ngay sau khi lần đầu tuyên bố tranh cử tháng 6/2015, ông Trump lập tức trở thành tâm điểm các cuộc tranh luận cả về văn hóa lẫn chính trị. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho hiện tượng đó.
Trước khi bước chân lên vũ đài chính trị, ông Trump là một tỷ phú thành đạt tại New York - trung tâm văn hóa, thương mại của nước Mỹ. Ông là ngôi sao trong làng giải trí, người dẫn của chương trình truyền hình ăn khách "The Apprentice".
Cử tri, dù cánh tả hay cánh hữu, dù yêu mến hay ghét bỏ, đều dành sự quan tâm đặc biệt cho ông Trump, người được coi là kẻ ngoại đạo sẵn sàng bước lên sàn đấu với các chính trị gia chuyên nghiệp vốn được coi là "tầng lớp tinh hoa".
Tháng 4/2015, tức 2 tháng trước ngày tuyên bố tranh cử, số lượt tìm kiếm thông tin về ông Trump trên Google không có gì nổi bật. Nhưng đến tháng 11/2016, sốt lượt tìm kiếm ông Trump trên Google đã đạt đỉnh.
Hiện tượng tương tự diễn ra đối với truyền hình. Tháng 4/2015, thời gian các kênh truyền hình đưa tin về ông Trump chỉ khoảng 144 phút. Nhưng vào tháng 10/2016, thời lượng đưa tin về ông Trump tăng lên gần 109 giờ đồng hồ, tức gấp 45 lần.
Trước tuyên bố tranh cử, ông Trump xuất hiện trong 0,06% tổng số những phân đoạn ngắn 15 giây được chiếu trên CNN, MSNBC, Fox News và Fox Business. Nhưng tới tháng 11/2016, con số này tăng 416 lần, lên gần 25%.
Nhưng, thất bại của ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử, cùng vô số rắc rối thời gian cuối nhiệm kỳ, khiến một bộ phận lớn cử tri nản lòng. Giờ đây, sự chú ý mà công chúng dành cho ông Trump đang dần tan biến.
Trên Google, số lượt tìm kiếm về ông Trump đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2015.
Tương tự, thời lượng đưa tin về cựu tổng thống trên các kênh truyền hình cũng giảm mạnh, xuống mức tương đương với thời gian khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.
Trong tháng 3, số lượt ông Trump được nhắc đến trong các bản tin trên sóng truyền hình đã giảm xuống mức của tháng 11/2015.
Hy vọng tái tranh cử
Cựu Tổng thống Trump tới nay vẫn nuôi hy vọng tiếp tục là một thế lực trong chính giới cũng như văn hóa Mỹ. Tuần qua, Tổng thống Trump ra thông báo, hứa hẹn với các cử tri ủng hộ rằng "điều tốt đẹp nhất vẫn ở phía trước".
Khó có thể phủ nhận rằng nếu ông Trump quay lại chính trường, bằng cách tuyên bố chạy đua tổng thống năm 2024, vị tỷ phú sẽ một lần nữa trở lại tâm điểm chú ý của dư luận không chỉ nước Mỹ mà của cả thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 30/3, khi được hỏi về khả năng "liệu cử tri Mỹ có hy vọng nhìn thấy Donald Trump ra tranh cử năm 2024 hay không", cựu tổng thống đưa ra câu trả lời úp mở.
Cựu Tổng thống Trump phát biểu tại hội nghị hành động chính trị bảo thủ cuối tháng 2. Ảnh: Getty. |
"Các bạn có hy vọng đó. Chúng ta yêu đất nước mình, đất nước này. Chúng ta đều nợ đất nước rất nhiều. Giờ chúng ta phải ra tay giúp đỡ đất nước mình", ông Trump nói.
Cựu tổng thống đã bóng gió khả năng tái tranh cử từ trước ngày 3/11/2020. Nhưng cuộc phỏng vấn hôm 30/3 phát đi tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy khả năng ông sẽ một lần nữa chạy đua vào Nhà Trắng.
Theo thăm dò cử tri tiến hành cuối tháng 2, ông Trump hiện là gương mặt nhận được sự ủng hộ lớn nhất của cử tri Cộng hòa cho cuộc chạy đua năm 2024. Tỷ lệ ủng hộ của ông Trump đang ở mức 42%. Người xếp thứ hai là cựu Phó tổng thống Mike Pence với chỉ 18% ý kiến ủng hộ.
Trước tuyên bố úp mở của ông Trump chỉ vài ngày, đương kim Tổng thống Joe Biden cũng lần đầu tiết lộ ý định tiếp tục chạy đua cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.
"Kế hoạch của tôi là tái tranh cử. Đó là những gì tôi kỳ vọng", Tổng thống Biden nói, tuy nhiên ông cũng thừa nhận không thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong 3 năm tới.
Tương lai khó đoán định, như lời tự nhận của Tổng thống Biden, cũng không thể loại trừ đối với cựu Tổng thống Trump, người đã ở tuổi 74.
"Dường như ông Trump ngày càng ít có khả năng sẽ một lần nữa trở thành trung tâm của những sự kiện như từng diễn ra trong quá khứ", Washington Post bình luận.