Những ngày này, khi nền kinh tế Mỹ đang vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, khoản nợ chồng chất không còn là mối quan tâm hàng đầu. Ngay cả những quan chức chú trọng đến việc kiểm soát ngân sách của chính phủ nhất cũng thúc giục lưỡng đảng thống nhất về gói kích thích kinh tế mới.
"Đây không phải lúc để ưu tiên cho những mối lo ngại về ngân sách liên bang", CNN dẫn lời Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell.
"Tuy nhiên, khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế và sức khỏe hiện tại, nước Mỹ sẽ bị bỏ lại với một khoản nợ lớn", nhà báo Jeanne Sahadi của CNN nhận định.
Hôm 6/10, Chủ tịch FED đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế nước này có thể mất nhiều thời gian nữa mới phục hồi. Ông kêu gọi tăng kích thích để duy trì tốc độ hiện tại.
Các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hơn nếu không đưa ra gói kích thích ngay lập tức. Ảnh: Reuters. |
Hôm 8/10, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính trong năm tài chính 2020, thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt 3.130 tỷ USD, tương đương 15,2% GDP, bởi chênh lệch giữa chi tiêu (6.500 tỷ USD) và doanh thu (3.420 tỷ USD) trong năm. Tính theo tỷ lệ GDP, mức thâm hụt ước tính năm 2020 cao gấp 300% mức thâm hụt năm 2019. Đây cũng là mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Không khó để lý giải sự tăng vọt của thâm hụt ngân sách so với năm 2019. Bắt đầu từ hồi mùa xuân, chính phủ liên bang đã chi hơn 4.000 tỷ USD để bù đắp thiệt hại kinh tế cho người lao động và doanh nghiệp bị đóng cửa kinh doanh đột ngột vì đại dịch. Hầu hết đều đồng ý rằng cần phải chi nhiều hơn cho đến khi Nhà Trắng kiểm soát được cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.
Đến cuối tháng này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra con số cuối cùng. Tuy nhiên, nếu ước tính của CBO là đúng, tổng nợ của đất nước sẽ lên tới 102% GDP, tức vượt quá quy mô của nền kinh tế, theo tổ chức phi chính phủ Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB). Đây là mức cao kỷ lục kể từ năm 1946, khi nợ liên bang lên đến 106,1% GDP.
Tổng nợ của đất nước có thể lên tới 102% GDP, tức vượt quá quy mô nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Tổng nợ đã bằng quy mô của nền kinh tế hiện tại. Và nó sẽ sớm cao hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử", Chủ tịch CRFB Maya MacGuineas nhấn mạnh. Vấn đề là khoản nợ liên bang tăng cao sẽ hạn chế những gì mà chính phủ có thể làm để đáp ứng nhu cầu đất nước.
Chi tiêu dự kiến tiếp tục tăng mạnh và vượt xa doanh thu. Và chỉ riêng việc trả lãi cho khoản nợ - ngay cả khi lãi suất vẫn ở mức thấp - sẽ tiêu tốn một phần doanh thu thuế, trong khi tiền thuế đang ngày càng tăng.
Thêm vào đó, theo CNN, những rủi ro trong tương lai như một đại dịch khác sẽ khiến gánh nặng nợ nần vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến đất nước đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoản tài chính, do đó đòi hỏi phải cắt giảm mạnh các dịch vụ và lợi ích của cư dân Mỹ.
"Không thể ấn định thời điểm xảy ra hoặc sắp xảy ra cuộc khủng hoảng, cũng không biết khi nào chi phí lãi suất tính theo tỷ lệ phần trăm GDP trở nên vượt quá mức chống chịu", Giám đốc CBO Phillip Swagel bình luận.
"Nhưng khi nợ càng lớn, rủi ro càng cao", ông nhấn mạnh.