Theo Bloomberg, chủ các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ bày tỏ nỗi thất vọng sau khi Tổng thống Trump quyết định dừng các cuộc đàm phán về gói cứu trợ kinh tế tiếp theo cho tới khi kết thúc bầu cử. "Ngay khi tôi giành chiến thắng, chúng ta sẽ thông qua một gói kích thích lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và những người Mỹ đã làm việc chăm chỉ", ông Trump viết trên Twitter.
Chủ các doanh nghiệp từ lĩnh vực bán lẻ, du lịch đến hàng không cho biết sẽ có nhiều người lao động bị mất việc làm hơn nếu nền kinh tế không được hỗ trợ ngay lập tức.
"Đây là điều rất đáng tiếc. Việc hỗ trợ nền kinh tế không phải là thứ có thể trì hoãn cho đến thời điểm thích hợp", Bloomberg dẫn lời ông Steve Lamar, Chủ tịch Hiệp hội Giày dép và Quần áo Mỹ. "Những ngày này, mọi người đều khổ sở", ông nói thêm.
Các ngành công nghiệp từ bán lẻ, du lịch đến hàng không sẽ bị giáng đòn mạnh khi gói kích thích kinh tế bị trì hoãn. Ảnh: Reuters. |
Doanh nghiệp lao đao
Việc trì hoãn các biện pháp kích thích kinh tế là đòn giáng mạnh vào những lĩnh vực như bán lẻ, nhà hàng và du lịch hàng không Mỹ. Ngày càng nhiều vụ phá sản diễn ra trong năm nay khi người tiêu dùng nước này thay đổi thói quen chi tiêu và di chuyển.
Những nỗ lực kích thích kinh tế trước đó đã làm dịu làn sóng mất việc làm và suy thoái kinh tế trên diện rộng. Tuy nhiên, tác động cũng không còn rõ rệt. Tháng 9 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 7,9%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.
Ông Trump viết trên Twitter cho biết đã ra lệnh ngừng đàm phán với đảng Dân chủ về gói cứu trợ, chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell kêu gọi chi tiêu nhiều hơn để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế.
"Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang rất, rất cao", ông Chip Bergh thuộc hãng Levi Strauss & Co., bình luận. "Chúng ta biết rằng các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn và tôi hy vọng Quốc hội sẽ tìm ra cách hoàn thành thỏa thuận để giúp đỡ đất nước và người tiêu dùng", ông nói thêm.
Ông Trump tuyên bố ngừng đàm phán với đảng Dân chủ về gói cứu trợ tiếp theo. Ảnh: Reuters. |
Matthew Shay, Chủ tịch kiêm CEO Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, cho rằng cần phải có các biện pháp kích thích càng nhanh càng tốt. "Đại dịch, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế mà nó gây ra, vẫn chưa kết thúc. Có rất nhiều gia đình phải vật lộn để kiếm sống. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đưa người lao động trở lại làm việc", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ cảnh báo: “Cứ mỗi tuần không hoạt động, sẽ có thêm hàng trăm nhà hàng khác đóng cửa trên toàn quốc. Chúng tôi cần thêm chương trình bảo vệ thanh toán và tín dụng thuế để giữ việc làm cho người lao động".
Rơi tự do
"Các nhà hàng đang chật vật để duy trì hoạt động. Chính quyền cần nhanh chóng đưa ra thỏa thuận. Nhiều nhà hàng sẽ không thể tồn tại qua mùa đông", ông Sean Kennedy - Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ - nói thêm.
Trong khi đó, ngành công nghiệp hàng không đã rơi vào trạng thái khẩn cấp. Bà Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không CWA, nói rằng chỉ với một dòng tweet, ông Trump sẽ để “hàng triệu công nhân thiết yếu rơi tự do”.
"Với động thái tàn nhẫn này, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào thế khó, trừ khi họ đưa ra gói cứu trợ mới để chống tác động của dịch Covid-19 ngay bây giờ", bà Nelson nhấn mạnh.
Các hãng hàng không Mỹ đã giãn việc khoảng 38.000 người lao động sau khi chương trình hỗ trợ trả lương đầu tiên hết hạn, bao gồm đợt sa thải lớn tại American Airlines Group Inc. và United Airlines Holdings Inc. Trước đó, hơn 150.000 người đã chấp nhận hoặc tình nguyện nghỉ việc.
Ông Trump đẩy ngành hàng không vào bế tắc chỉ với một dòng tweet. Ảnh: Reuters. |
Ông Nicholas Calio, Chủ tịch Hiệp hội Airlines for America, bày tỏ nỗi thất vọng vì "Quốc hội và chính quyền không thể đạt thỏa thuận giúp cứu hàng chục nghìn công việc đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng cao trong ngành hàng không Mỹ". Ông cảnh báo trong những tuần tới, sẽ có thêm nhiều nhân viên trong ngành hàng không mất việc.
Chương trình hỗ trợ trả lương trị giá 25 tỷ USD đã không được gia hạn sau khi hết hạn vào ngày 30/9. “Thực tế là các doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ đang đóng cửa", ông Roger Dow, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ, cho biết. "Họ cần gói cứu trợ từ nhiều tháng trước. Hàng triệu người Mỹ đang khốn khổ. Thật thiển cận đến tàn nhẫn khi kết thúc các cuộc đàm phán về gói hỗ trợ", ông chỉ trích.