Các lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới gây ra cú sụp đổ kinh tế chưa từng thấy. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ chỉ bắt đầu vào tháng 5 khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Nhưng theo New York Times, hiện tượng lao dốc trong mùa hè này của nền kinh tế Mỹ đã cho thấy một vấn đề đáng lo ngại hơn. Đó là nền kinh tế bước vào một đợt sụt giảm kéo dài hơn, đối mặt với những rủi ro lớn trong tương lai.
Các dữ liệu về việc làm của chính phủ Mỹ tại hàng trăm ngành công nghiệp cho thấy cuộc khủng hoảng việc làm đang nhấn chìm nền kinh tế. Trong vỏn vẹn vài tuần, hãng dầu mỏ Shell cho biết đã cắt giảm 9.000 công nhân, Disney loại bỏ 28.000 nhân viên và gã khổng lồ sản xuất Raytheon xóa bỏ 15.000 việc làm.
Ngay cả những ngành công nghiệp không bị ảnh hưởng trực tiếp cũng cắt giảm việc làm hàng loạt. Ảnh: New York Times. |
Ảnh hưởng diện rộng
Tình huống tương tự cũng xảy ra trên hàng chục ngành công nghiệp sử dụng hàng chục triệu lao động khác. Đáng nói là những lĩnh vực này không chịu tác động trực tiếp từ các lệnh phong tỏa hay ngừng hoạt động, nhưng số việc làm bị cắt giảm trong nửa năm qua vẫn tương đương với thời kỳ suy thoái nghiêm trọng năm 2008.
Danh sách này bao gồm lĩnh vực bất động sản, đại lý ôtô, quảng cáo và xây dựng nặng, cùng với đó là ngành vận tải hàng hóa. Trên thực tế, ngay cả khi đã loại bỏ các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp vì đại dịch như vận tải hàng không, giải trí, khách sạn, nhà hàng và giáo dục, số lượng việc làm ở Mỹ trong tháng 9 vẫn thấp hơn 4,6% hồi tháng 2.
Con số đó không thấp hơn là bao so với mức giảm 5,3% trong suốt 18 tháng của cuộc Đại suy thoái, và lớn gấp 3 lần nạn thất nghiệp trong cuộc suy thoái năm 2001. Nguyên nhân đầu tiên là tác động của việc dừng hoạt động hàng loạt trong nền kinh tế.
Thêm vào đó, đại dịch cũng thúc đẩy các công ty thay đổi. Vì vậy, ngay cả khi những lệnh hạn chế được nới lỏng, nền kinh tế vẫn khó quay trở lại nhanh chóng như thời kỳ trước đại dịch. Theo New York Times, câu chuyện không đơn giản chỉ là ngừng hoạt động rồi mở cửa trở lại như tắt bật công tắc.
Những ngành công nghiệp không bị ảnh hưởng trực tiếp vẫn cắt giảm việc làm tương đương hồi Đại suy thoái năm 2008. Ảnh: New York Times. |
Khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, nhiều công việc sẽ không còn tồn tại nữa. Người lao động Mỹ cần phải tìm các loại công việc khác và điều này tốn không ít thời gian.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có một trạng thái ổn định mới, nhưng phải tới năm 2023 hoặc 2024", nhà phân tích Sophia Koropeckyj tại Moody’s Analytics, nhận xét. Trong một báo cáo mới, bà ước tính khoảng 5 triệu người sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm vì đại dịch đã khiến công việc cũ biến mất hoặc thay đổi đáng kể.
"Mọi người không nhận ra rằng nếu một ngành bị tổn hại, nó cũng tác động tiêu cực đến nhiều ngành cung cấp khác và khiến mọi người không còn tiền tiêu", ông Randy Herron, chủ sở hữu của Herron Printing & Graphics, bình luận.
Vòng tròn đồng tâm
Nói cách khác, khi một bộ phận khổng lồ của nền kinh tế Mỹ mất thu nhập trong nhiều tháng, tác động không chỉ giới hạn ở các ngành đó. Khách sạn, nhà hàng bị sụt giảm doanh thu và tạo những vòng tròn đồng tâm ra bên ngoài.
Ngành vận tải Mỹ vẫn chưa thể phục hồi như hồi tháng 2. Việc làm giảm 5%, trọng tải vận tải đường bộ trong tháng 8 lao dốc 9% so với một năm trước đó. Ngay cả khi các công ty riêng lẻ hoạt động tốt, họ cũng không dám đầu tư mới vì lo ngại về tương lai ảm đạm.
Tại Jetco Delivery, công ty hậu cần và vận tải đường bộ có 400 nhân viên ở Houston, hoạt động kinh doanh đã gần như phục hồi kể từ khi đóng cửa hồi mùa xuân. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Brian Fielkow, đầu tư vào xe tải mới là một vấn đề khác.
"Các đơn đặt hàng mới vẫn chưa phục hồi. Mọi người đang thận trọng với vốn hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu một năm nữa mới có vaccine? Có quá nhiều điều có thể diễn ra. Tôi không thể đánh bạc", ông chia sẻ. Đại dịch khiến doanh số bán ôtô và xe tải sụt giảm. Nhiều đại lý ôtô phải đóng cửa hoàn toàn. Tin tốt là trong mùa hè này, doanh số bán xe đã tăng vọt.
Khi nhiều ngành kinh tế mất thu nhập trong vài tháng, tác động không chỉ giới hạn ở các ngành đó. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi, việc làm tại các đại lý ôtô trong tháng 9 vẫn thấp hơn 7% so với thời kỳ trước đại dịch. Đại dịch đã làm thay đổi cách bán ôtô, đòi hỏi ít nhân viên bán hàng hơn, theo Rhett Ricart, Giám đốc điều hành của Ricart Automotive Group tại khu vực Columbus (bang Ohio).
"Đại dịch đã đẩy nhanh mọi thứ. Có một sự thay đổi đáng kể trong toàn bộ hệ sinh thái của chúng tôi. Khách hàng có động lực để xem và mua hàng trực tuyến hơn", ông bình luận.
Giám đốc Ricart cho biết cách đây vài năm, trung bình một nhân viên kinh doanh của ông sẽ bán được 10 ôtô hoặc xe tải trong vòng một tháng. Giờ, con số đã lên 12-13 chiếc. Nguyên nhân là số nhân viên ít hơn.
Thúc đẩy tự động hóa
Ngành công nghiệp quảng cáo cũng gia tăng cắt giảm việc làm. Nhà phân tích Jay Pattisall tại Forrester Research cho rằng ngành công nghiệp này sẽ loại bỏ khoảng 35.000 việc làm trong năm nay và sau đó cắt giảm thêm 17.000 vào năm 2021.
Ông cho rằng việc tuyển dụng cũng không gia tăng ngay cả khi nền kinh tế phục hồi. Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng buộc các hãng quảng cáo đẩy mạnh tự động hóa. "Các chức năng như theo dõi và đo lường chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số ngày càng được tự động hóa. Những phần mềm cải thiện và cần ít người lao động hơn", ông nói thêm.
Trong khi đó, tháng 9, việc làm trong ngành bất động sản Mỹ cũng giảm 3% so với tháng 2. Các dấu hiệu chỉ ra con số này sẽ tiếp tục giảm. Tình hình là hết sức u ám.
Trong một ghi chú gửi đến nhân viên để thông báo cắt giảm 20% việc làm trong bộ phận bán lẻ, ông Jared Chupaila, Giám đốc điều hành của Brookfield Properties, viết: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi đã đi đến quyết định nặng nề là giảm quy mô lực lượng lao động để phù hợp với quy mô danh mục đầu tư trong tương lai”.
Khi quá trình tự động hóa bị đẩy nhanh, nhiều người không kịp chuẩn bị và rơi vào cảnh thất nghiệp kéo dài. Ảnh: Reuters. |
Theo New York Times, cuộc suy thoái đã ảnh hưởng đến hầu hết ngành, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp. Thách thức của các nhà hoạch định chính sách kinh tế không phải ngăn cản sự điều chỉnh cơ cấu này. Thay vào đó, họ cần đảm bảo nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đủ mạnh khi mối quan tâm về sức khỏe giảm đi.
Thậm chí, khi một số công việc biến mất vĩnh viễn, những công việc khác cần được tạo ra trong thời gian ngắn. Hai cuộc suy thoái cuối cùng sẽ dẫn đến việc "thất nghiệp trở lại" trong vòng nhiều năm.
Nguồn gốc của sự suy thoái năm 2020 có thể khác với hai giai đoạn suy thoái trước đó. Nhưng cho đến nay, cách nó "lan truyền" từ công ty này sang công ty khác, từ ngành này sang ngành khác, cũng tương tự như vậy.