Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng kiểm toán Nhà nước: SCB thuộc trách nhiệm kiểm toán độc lập

Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định việc kiểm toán báo cáo tài chính vụ SCB không liên quan gì đến Kiểm toán Nhà nước.

Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn tại phiên chất vấn sáng 5/6. Ảnh: Quochoi.

Tại phiên chất vấn Tổng kiểm toán Nhà nước sáng 5/6, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đã đề nghị lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước làm rõ vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc điển hình như ngân hàng SCB.

Đại biểu Hải cho biết vụ việc của ngân hàng SCB xảy ra trong thời gian vừa qua được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Theo thông tin đại chúng cho thấy nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của SCB, tuy nhiên không phát hiện dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này.

"Đề nghị Tổng kiểm toán cho biết vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc như vụ việc của ngân hàng SCB vừa qua", đại biểu đề nghị.

SCB thuộc đối tượng kiểm toán độc lập

Liên quan đến vấn đề này, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết SCB bị truy tố và được xét xử với 3 tội danh là Thao túng thị trường chứng khoán; Chiếm đoạt tài sản; Nhận và đưa hối lộ. Do đó, việc này không liên quan đến chức năng của Kiểm toán Nhà nước.

"Theo quy định Luật Kiểm toán độc lập, đây là công ty đại chúng, do đó, SCB thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập và trách nhiệm thuộc về các doanh nghiệp kiểm toán độc lập đã cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của SCB", ông Tuấn nhấn mạnh.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có 2 hệ thống kiểm toán là Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập.

"Riêng hệ thống kiểm toán độc lập, hệ thống này thực hiện theo Luật Kiểm toán độc lập, tức cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Tổ chức cung cấp này gồm những cá nhân, doanh nghiệp kiểm hành nghề kiểm toán độc lập, bao gồm doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh đặt tại Việt Nam", lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Kiểm toán độc lập cũng phối hợp Kiểm toán Nhà nước thông qua hợp đồng và trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

"Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi không trực tiếp thực hiện kiểm toán mà thực hiện quản lý chất lượng kiểm toán thông qua ban hành các cơ chế chính sách, chiến lược và thanh tra kiểm tra, giám sát", ông nhấn mạnh.

Năm 2023-2024, ông Phớc cho biết Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp. Kết quả có 11 doanh nghiệp đạt yêu cầu, 7 doanh nghiệp không đạt, 1 doanh nghiệp yếu. Đồng thời kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán có 16 hồ sơ đạt, 26 không đạt yêu cầu. Từ đó đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 kiểm toán viên và phê bình các công ty kiểm toán.

Đến năm 2024, Bộ Tài chính đưa ra kế hoạch kiểm tra 20-24 doanh nghiệp kiểm toán, trong đó có 8 doanh nghiệp kiểm toán các công ty có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán. Đồng thời, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập.

"Có thiếu sót, sai phạm trong kiểm toán SCB"

Trước ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề kiểm toán Ngân hàng SCB, ông Phớc cho biết khi kiểm toán về Ngân hàng Nhà nước, mặc dù không kiểm toán SCB nhưng Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị, lưu ý đối với SCB.

Còn với kiểm toán độc lập, giai đoạn 2012-2016, SCB đã thuê Ernst & Young Vietnam (EY) kiểm toán báo cáo tài chính, đến 2017-2019 do Deloitte Việt Nam kiểm toán và giai đoạn 2020-2022 do KPMG Việt Nam thực hiện.

"Như vậy, trong quá trình kiểm toán này, đã có những thiếu sót, sai phạm mà cơ quan điều tra, công tố đã điều tra xử lý. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nâng cao chất lượng kiểm toán cho các cơ quan đơn vị doanh nghiệp", Bộ trưởng cho biết.

Trước đó, tại bản án với các bị cáo cùng trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã được Hội đồng xét xử công bố, có nhiều thông tin liên quan giai đoạn 2 của vụ án. Trong đó có việc kiến nghị Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán cho SCB, các kiểm toán viên có liên quan. Nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý đúng quy định.

Đáng chú ý, nhóm công ty kiểm toán cho SCB giai đoạn 2012-2022 đều là các công ty lớn, thuộc nhóm Big 4 trên thị trường, bao gồm KPMG Việt Nam, EY và Deloitte Việt Nam.

Trong đó, thời kỳ đầu sáp nhập, EY đã kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất và soát xét cho SCB cho đến năm 2016. Kiểm toán viên công ty từng lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc tới thanh khoản ngân hàng.

kiem toan vu SCB anh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết khi kiểm toán về Ngân hàng Nhà nước, dù không kiểm toán SCB nhưng Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị, lưu ý đối với ngân hàng này. Ảnh: Quochoi.

Kiểm toán nêu lưu ý tới khoản phải thu đã quá hạn nhưng được ngân hàng đánh giá là có khả năng thu hồi nên không trích lập dự phòng. Ngoài ra còn khoản lãi dự thu cho vay khách hàng có thời hạn 1 năm đã đến hạn cuối hợp đồng, tuy vậy ngân hàng đánh giá khả năng thu hồi và tin tưởng số lãi dự thu này sẽ được thanh toán đầy đủ.

Đáng chú ý, trong báo cáo soát xét bán niên năm 2021 (năm SCB ghi nhận lãi đột biến), kiểm toán viên của KPMG có nêu vấn đề nhấn mạnh, lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan phân loại nợ, dự phòng và khoản lãi dự thu thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

SCB tiếp tục đóng cửa loạt chi nhánh

Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã chấm dứt hoạt động và giải thể hơn 60 phòng giao dịch sau 1 năm.

Ngân hàng Nhà nước đã có lộ trình tái cơ cấu SCB

Nhà điều hành đang xây dựng lộ trình để tái cơ cấu SCB, nghiên cứu khẩn trương giải pháp và cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động.

Phó thủ tướng: Thương mại điện tử sẽ dần thay thế các chợ truyền thống

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và dần thay thế các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm