Ngày 11/12, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế Doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, ký công văn gửi Công ty TNHH Grab, yêu cầu doanh nghiệp này thận trọng trong phát ngôn khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá.
Bà Lan Anh khẳng định Grab không được phép khiến dư luận và xã hội hiểu không đúng về pháp luật của Nhà nước về chính sách thuế.
Tổng cục Thuế nhắc lại việc Nghị định 126 quy định cụ thể về trách nhiệm khai thuế của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế, tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng, không làm tăng giá cước vận tải, do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay.
Theo Tổng cục Thuế, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải. Do đó, Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì công ty quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có thay đổi về điều kiện giao thông, thời tiết), lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe.
“Đồng thời, Công ty TNHH Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển”, công văn của Tổng cục Thuế nêu.
Phản ứng lại, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân có văn bản trả lời ý kiến Tổng cục Thuế. Phía Grab đổ lỗi việc Tổng cục Thuế áp dụng Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với trường hợp tính thuế GTGT đối với hình thức xe hai bánh là không hợp pháp.
Sau Grab, Gojek cũng tăng giá cước, tỷ lệ khấu trừ từ ngày 12/12. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Công ty này cho rằng "hiện chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách xe hai bánh, do đó trong thực tế, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh vẫn phải dựa vào các nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự giữa tài xế và hành khách".
“Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh hoàn toàn không có tính chất kinh doanh mà là hoạt động kiếm sống của những người có thu nhập thấp (đa phần dưới 100 triệu đồng/năm)”, phía Grab nói.
Chỉ vin vào yếu tố "công nghệ"
Theo các chuyên gia quốc tế, những công ty gọi xe như Uber và Lyft tại Mỹ hay Grab và Gojek ở Đông Nam Á thực chất chỉ cung cấp dịch vụ taxi, tự đánh bóng bản thân bằng một ứng dụng có giao diện thân thiện, dựa trên công nghệ GPS có từ nhiều thập kỷ qua, rồi vin vào yếu tố "công nghệ" để đòi qua mặt các quy định về lao động.
Tài xế làm việc cho các công ty này được dán mác mỹ miều "đối tác độc lập". Nhưng họ không được trả lương tối thiểu, tiền ngoài giờ, bảo hiểm y tế, ngày nghỉ bệnh có lương...