Vào mùa xuân, khi nước mưa đọng lại thành các vũng hồ ở sa mạc Dasht-e Lut ở Iran - được mệnh danh là "chảo lửa" của Trái Đất - vùng cát khô cằn liền trở nên đầy sức sống.
Những quả trứng tí hon, sau thời gian khô cằn nằm lẫn trong cát, bắt đầu nở ra khi mưa xuống. Chúng có thể đã ẩn nấp trong sa mạc từ nhiều thập kỷ trước, chờ đợi điều kiện thích hợp để sống dậy. Gặp nước, trứng nở ra thành những loài giáp xác nhỏ, thân hình tưa, tựa như có lông, được gọi là tôm tiên. Trong một hoặc hai tháng, tôm tiên cái sẽ sinh trưởng và đẻ trứng trước khi chết hoặc cho đến khi hồ nước cạn kiệt.
Phallocryptus fahimii - loài tôm tiên mới được phát hiện trên sa mạc Lut nóng nhất hành tinh. Ảnh: Milan Pallmann. |
Loài tôm có thể sinh tồn ở bất cứ đâu
Theo New York Times, tôm tiên sống một cuộc đời ngắn ngủi thành từng đàn với số lượng lớn theo mùa. Chúng có mặt trên khắp thế giới, từ thảo nguyên Mông Cổ, đến những cánh rừng gỗ ở Long Island, Mỹ. Thậm chí tại sa mạc Lut, nơi nóng và khô cằn nhất trên Trái Đất, người ta vẫn có thể tìm thấy tôm tiên theo từng mùa. Năm 2005, vệ tinh Aqua của NASA đã ghi lại nhiệt độ mặt đất ở vùng này là 70,7 độ C.
Miguel Alonso, nhà sinh vật học tại Đại học Barcelona, cho biết: “Tôi không ngạc nhiên bất kể Phallocryptus (một chi của giáp xác) hiện diện ở đâu. Tôm tiên có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào”.
Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện loài giáp xác mới này, mà họ đặt tên là Phallocryptus fahimii, vào tháng 7 vừa qua trên tạp chí Zoology in the Middle East.
Tác giả của nghiên cứu, Hossein Rajaei, một nhà côn trùng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên bang Stuttgart, Đức, là người đầu tiên theo dõi loài tôm này. Ông đến Lut lần thứ hai vào tháng 3/2017 cùng đoàn thám hiểm 17 người để quan sát các loài côn trùng sống tại đây.
Trong tiếng Farsi - ngôn ngữ chính thức của Iran, Dasht-e Lut có nghĩa là “sa mạc của sự trống rỗng”. Nhận xét về cái tên của vùng đất này, tiến sĩ Rajaei nói: “Tôi nghĩ họ đặt cho nó cái tên đó vì nhiều người tin rằng không có sự sống trên sa mạc này”. Thế nhưng, các cuộc thám hiểm gần đây đã phát hiện sự đa dạng bất ngờ của nhện, thằn lằn và các loài động vật khác. Ngoài ra, họ cũng phát hiện sự sống trong các ao hồ theo mùa, nhưng chỉ giới hạn ở các loài cổ vật đơn bào.
Phát hiện lớn từ sự vô tình
Kể về quá trình phát hiện loài tôm tiên mới, Rajaei cho biết đoàn thám hiểm đã tìm thấy một hồ nước giữa sa mạc vào một buổi trưa. Ông chia sẻ mình chưa bao giờ nhìn thấy một hồ nước lớn như vậy ở Lut. Hồ nước này có lẽ đã hình thành trong trận mưa lớn đầu tiên ở sa mạc này sau hơn một thập kỷ khô hạn. Nhiệt độ của nước trong hồ lúc ấy vào khoảng 30,5 độ C.
Sa mạc Lut của Iran - nơi được coi là điểm nóng nhất trên Trái Đất. Ảnh: Hossein Rajaei. |
Như tìm được vị cứu tinh giữa cái nóng đổ lửa, Rajaei vui mừng lội xuống hồ nước nông và bắt gặp những sinh vật nhỏ bé màu trắng sữa đang bơi lội quanh chân mình. Nhà nghiên cứu bò sát Hadi Fahimi, và Alexander V. Rudov - một tác giả khác của nghiên cứu, đã cùng Rajaei xuống nước vớt những sinh vật này về nghiên cứu.
Khi Rajaei cho các thành viên của đoàn thám hiểm xem mẫu vật, hầu hết đều trầm trồ trước sự tồn tại của sinh vật nhỏ bé ngay tại vùng đất khắc nghiệt này. Một số mẫu vật giống cái mà ông thu thập được bơi lộn ngược, để lộ trứng màu ngọc lục bảo trên bụng. “Chúng tôi đều rất vui mừng khi tìm thấy con tôm nhỏ bé này ở đây”, Rajaei chia sẻ. Các nhà nghiên cứu chỉ thu thập tôm trong một hồ, vì những hồ khác đã gần cạn kiệt, nhiều bùn, nên khá nguy hiểm.
Lúc đó, do không chắc liệu những con tôm này có phải loài mới hay không, Rajaei đã nhờ đến sự giúp đỡ nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna Martin Schwentner. Schwentner có kinh nghiệm về các loài giáp xác tương tự tại Australia và đã trở thành tác giả chính của nghiên cứu về loài tôm mới trên.
Khi tiến sĩ Schwentner so sánh di truyền và hình thái của các mẫu vật với bốn loài trong chi Phallocryptus, ông xác định rằng những sinh vật do Rajaei tìm thấy là loài mới, loài thứ năm. Sự khác biệt về hình thái giữa loài tôm mới và tôm tiên Mông Cổ - Phallocryptus tserensodnomi là rất nhỏ: tôm mới có cơ quan vùng trán dài hơn và râu cong hơn so với Phallocryptus tserensodnomi.
Theo tiến sĩ Alonso, loài tôm mới có hình thái rất giống P. tserensodnomi (được tìm thấy ở Mông Cổ) và P. spinosa (được tìm thấy ở nhiều nơi tại Iran). Alireza Sari, một nhà sinh vật học giáp xác tại Đại học Tehran, cho biết ông còn nghi ngờ rằng một số khám phá về P. spinosa trước đây của mình rất có thể là P. fahimii mà ông không hay biết.
Tiến sĩ Schwentner chia sẻ: “Xét hình thái học thì khá nan giải. Tuy nhiên, sự khác biệt về gen đã làm rõ được rằng nó là một loài khác".
Để phát hiện loài tôm tiên mới, cũng như một số sinh vật khác, đoàn thám hiểm đã phải trải qua khá nhiều khó khăn để tồn tại trên sa mạc Lut. Nhiệt độ tại đây dao động từ 50 độ C vào ban ngày đến hơn 1,5 độ C vào ban đêm.
Nhóm nghiên cứu chỉ có đủ nước để uống và rửa tay một hoặc hai lần mỗi ngày. Những cơn bão hoặc xoáy cát thường xuyên xuất hiện và kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Bụi bám đầy xe của đoàn, thậm chí nó còn làm hư hại không ít thiết bị như máy ảnh. Thế nhưng đổi lại, họ đã gặt hái được những kết quả xứng đáng, trong đó có một loài nhện và một loài rắn mới.
Một năm sau chuyến thám hiểm, tiến sĩ Fahimi - người từng thu thập mẫu vật tôm cùng Rajaei - qua đời trong một vụ tai nạn máy bay ở Iran. Nhóm nghiên cứu đã dùng tên của ông để đặt cho loài tôm mới, bên cạnh loài nhện và rắn mới để tưởng niệm nhà nghiên cứu này.
Chiếc hồ, nơi P. fahimii được tìm thấy, từng có kích thước lớn gấp hai lần hồ bơi thông thường. Tuy nhiên, nó hiện đã cạn kiệt và không gì có thể chắc rằng khi nào nó sẽ đầy lại. Cho đến lúc đó, những quả trứng tôm tiên tí hon sẽ tiếp tục chờ đợi kiên nhẫn trong cát.