Hơn 9h tối 10/10, anh Thanh Tâm, tài xế xe công nghệ, đang trong cuốc xe chở khách nhưng vẫn tấp vào cây xăng ở ngã tư Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân (quận 3, TP.HCM).
"Tôi sợ hết mưa cây xăng sẽ đông trở lại nên phải xin phép khách để tranh thủ đổ xăng ngay. Ai ngờ đã muộn, trời lại còn mưa mà người ta vẫn xếp hàng đông như vậy", anh nói với Zing.
Thậm chí, tại một cửa hàng khác ở giao lộ Trần Xuân Soạn - Lâm Văn Bền (quận 7, TP.HCM) có đến hàng trăm người dân đội mưa xếp hàng chờ đổ xăng. Toàn bộ 8 trụ bơm xăng đều chật kín người và xe.
Anh Hoàng Việt, một người dân sống gần đây, cho biết đã đợi hơn 15 phút nhưng vẫn chưa đến lượt.
"Tôi đi ngang qua đây từ lúc 18h30 nhưng thấy đông quá, xe tràn ra ngoài đường, nên tôi quyết định về nhà ngay. Giờ thấy trời mưa tôi mới chạy ra lại, định bụng tranh thủ đổ xăng cho đỡ chen chúc, hóa ra cũng đông không kém", anh kể.
Người dân chen chúc tại một cây xăng ở quận 7 giữa trời mưa vào tối 10/10. Ảnh: Liên Phạm. |
Trong khi đó, một tài xế xe công nghệ khác là anh Công Duy buộc phải chạy khắp nơi gom xăng. Từ sáng sớm, anh đã chịu cảnh chờ đợi ở các cây xăng, một số cây do đợi quá lâu hơn 20 phút vẫn không đến lượt nên anh bỏ đi.
"Có cây xăng tôi đổ được 30.000 đồng đủ để cầm cự, sau đó đổ thêm 60.000 đồng ở một cây khác. Cứ phải đợi từ cây xăng này sang cây xăng khác để có xăng tiếp tục công việc khiến tôi rất mệt mỏi, bất tiện hơn ngày thường rất nhiều", anh chia sẻ.
Với anh Tâm, một tài xế khác trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM, nếu một ngày bình thường có thể chạy đến 20 cuốc xe thì ngày 10/10 chạy chưa nổi 10 cuốc. "Cứ phải đợi đổ xăng nên tôi mất nhiều cuốc, nhiều khách. Thiếu xăng như thế này làm những người làm nghề như tôi rất nản", anh tâm sự.
Ghi nhận của Zing từ sáng 10/10 cho thấy một số tài xế xe công nghệ đã tắt app hoặc buộc phải hủy cuốc xe do khó đổ xăng. Theo đại diện Gojek, các đối tác tài xế đã phản hồi về tình trạng khan hiếm xăng dầu tại một số địa điểm. Thời gian chờ đợi và xếp hàng tại các cây còn xăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động của một số đối tác, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dịch vụ cục bộ tại một số địa bàn.
"Gojek vẫn đang liên tục theo dõi các diễn biến của thị trường và khi cần sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời các hoạt động của tài xế, duy trì chuỗi cung ứng của toàn thành phố và phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân", vị này cho biết.
Còn với taxi truyền thống, ông Tạ Long Hỷ - Tổng giám đốc Vinasun - cho hay doanh thu những ngày qua đã sụt giảm vì tài xế không có đủ xăng để chạy.
"Tìm xăng khó quá nên anh em tài xế cũng nản, họ không nghỉ hẳn nhưng ít chạy hơn. Tất cả xe đều chững lại, doanh thu đi xuống. Chúng tôi cũng không có cách nào khác, chỉ dặn tài xế cây này không có xăng thì đi cây khác thôi", ông nói.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tính đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn thành phố có 121 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu. Những cửa hàng đã đặt xăng nhưng đơn vị cung cấp chưa phản hồi hoặc chưa thông tin về thời gian giao hàng.
Các cửa hàng hết xăng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức và 17/21 quận, huyện. Trong đó, nhiều nhất là TP Thủ Đức (21 cửa hàng), quận 12 (17 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng), Củ Chi (14 cửa hàng), Bình Chánh (8 cửa hàng)...
Cập nhật mới nhất có 9 cửa hàng thông báo đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh. Trong số đó có 3 cửa hàng ở quận Bình Thạnh và 4 cửa hàng ở TP Thủ Đức.