Vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới Hwasong-17, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết thực tế không phải như vậy.
“Tên lửa quái vật” được nhà lãnh đạo Kim Jong Un đích thân giám sát, thực chất là Hwasong-15 - một loại ICBM cũ và nhỏ hơn đã được thử nghiệm vào năm 2017, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 30/3 nói với AFP.
Tuy nhiên, ngay cả khi tên lửa xuất hiện trong video cùng ông Kim Jong Un không phải là Hwasong-17, nhiều chuyên gia vẫn đồng tình rằng vũ khí lần này bay xa và cao hơn bất kỳ lần thử tên lửa nào trong lịch sử của Bình Nhưỡng.
Vụ thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang dồn sự quan tâm đến cuộc xung đột ở Ukraine. Động thái này như một lời nhắc nhở với phương Tây rằng việc phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang tiếp tục với tốc độ đáng chú ý.
Một mũi tên nhiều đích đến
“Triều Tiên thường có nhiều mục tiêu cho mọi hành động. Quốc gia này có thể đang chuẩn bị để đối phó với một liên minh Mỹ - Hàn cứng rắn hơn sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Yoon Suk Yeol, trong khi thúc đẩy các kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân công nghệ cao”, bà Duyeon Kim, trợ lý cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ, nhận định.
"(Vụ thử tên lửa) cũng có thể nhằm thể hiện sức mạnh với người dân trong nước”, bà nói thêm.
Theo bà Kim, “Bình Nhưỡng cho rằng việc thử nghiệm các loại vũ khí vào thời điểm này sẽ an toàn và không kéo theo bất kỳ hình phạt nào, vì Washington và thế giới đang bận tâm đến Ukraine”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói chuyện với các quân nhân trong vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 24/3. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Guardian nhận định vụ phóng tên lửa còn mang thông điệp khác.
Giữa lúc Triều Tiên đang đối phó với tình trạng thiếu lương thực và nỗ lực khôi phục thương mại xuyên biên giới với Trung Quốc bị gián đoạn sau 2 năm hạn chế vì đại dịch Covid-19, nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như đang sử dụng các cuộc thử nghiệm vũ khí như một cách để củng cố niềm tin cho 25 triệu người dân trong nước.
Song, vụ phóng ICBM đầu tiên sau gần 5 năm kể từ tháng 11/2017, cũng là một lời nhắc nhở đối với Mỹ. Bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đang nhanh chóng trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân và Washington phải đối xử ngang hàng với họ nếu hai nước trở lại bàn đàm phán như thời kỳ cựu Tổng thống Donald Trump.
Dù Tổng thống Biden tỏ ra không mấy quan tâm đến việc gặp ông Kim Jong Un, Triều Tiên vẫn đang phô diễn kho vũ khí ngày càng đáng chú ý, từ tên lửa siêu thanh đến tên lửa nhiên liệu rắn tầm ngắn, như một động lực để thúc đẩy ông Biden ngồi vào bàn đàm phán.
“(Triều Tiên) có thể sớm theo kịp những tiến bộ trong hệ thống phòng thủ của Mỹ”, Ankit Panda, một quan chức cấp cao của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Triều Tiên có thể sắp thử hạt nhân?
Triều Tiên đang tái sử dụng chiến lược ngoại giao giống như khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ký kết thỏa thuận "phi hạt nhân hóa" tại hội nghị thượng đỉnh với ông Trump vào tháng 6/2018.
Mục tiêu của Bình Nhưỡng là tăng cường sức ép để biến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa thành cắt giảm hạt nhân và đổi lấy viện trợ kinh tế. “Thông điệp trong vụ phóng ICBM (gần đây) rất rõ ràng: Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình”, bà Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích của 38 North - trang mạng ở Mỹ chuyên theo dõi tình hình tại Triều Tiên, cho biết.
Truyền thông Triều Tiên công bố hình ảnh tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên rời bệ phóng hôm 24/3. Ảnh: KCNA. |
Sau 4 năm gián đoạn, các nhà phân tích cho rằng vụ thử ICBM có thể là bước mở đầu cho một giai đoạn mới, gợi nhớ đến những ngày căng thẳng vào năm 2017.
“Một vụ thử hạt nhân có thể sẽ được tiến hành. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tái xây dựng bãi thử hạt nhân Punggyeri - nơi đã "phát nổ" vào năm 2018, vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra”, giáo sư Kim Hyun Wook, thuộc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết.
“Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ sử dụng cơ hội này để tiếp tục các hành động của mình, nhằm đạt được thứ gì đó từ cả Mỹ và Trung Quốc”, ông nói thêm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Duyeon Kim cho biết một vụ thử hạt nhân "chỉ là vấn đề thời gian", miễn là nước này có thể đạt được lợi ích về mặt công nghệ hoặc chính trị.
“Triều Tiên có mọi lý do để gia tăng căng thẳng trên bán đảo như một đòn bẩy trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với Washington trong tương lai, và để được thế giới chấp nhận như một cường quốc hạt nhân vĩnh viễn”, bà nói.