Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 30/3 nói với AFP rằng Seoul và Washington kết luận vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 mà Bình Nhưỡng công bố hôm 25/3 thực chất đến từ cuộc thử nghiệm ICBM Hwasong-15, được Triều Tiên thực hiện năm 2017.
Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về cáo buộc này. Trước đó, hãng KCNA (Triều Tiên) hôm 25/3 cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa loại mới Hwasong-17 - được giới phân tích mệnh danh là tên lửa "quái vật" - do đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát.
Theo AFP, việc đưa ra thông báo sai lệch được cho là nỗ lực của Bình Nhưỡng để "chữa cháy" vụ phóng tên lửa hôm 16/3 mà quân đội Hàn Quốc cho là đã thất bại.
Xây dựng hình ảnh
Nhà phân tích Yang Moo Jin nói rằng Triều Tiên muốn công bố thử nghiệm thành công Hwasong-17 để ghi dấu ấn. "Tuy vậy, thất bại trong vụ phóng ngày 16/3 đã khiến mọi chuyện tồi tệ. Ông Kim có lẽ nghĩ rằng cần phải có một sự kiện đủ sức nặng để bù đắp lại”, ông Yang nói.
Tình báo Hàn Quốc cho biết sau vụ phóng ngày 16/3, Bình Nhưỡng đã chuyển sang việc ngụy tạo để "ngăn chặn tin đồn và ổn định chế độ".
Báo cáo tình báo cho hay vụ phóng thất bại chỉ mới diễn ra được 8 ngày, do đó không đủ thời gian để đánh giá sai sót và khắc phục. Đó là lý do Bình Nhưỡng chọn cách "ngụy tạo" sự kiện ngày 24/3.
Đài KCTV (Triều Tiên) đã công bố vụ phóng tên lửa ngày 24/3 bằng một đoạn video theo phong cách “Hollywood” khi ghi lại cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un đeo kính râm, khoác áo da, theo sau là hai tướng lĩnh Triều Tiên, sau đó làm động tác như ra dấu cho binh sĩ phóng tên lửa.
Truyền thông Triều Tiên hôm 25/3 đăng tải video vụ phóng tên lửa theo phong cách "Hollywood". Ảnh: KCNA. |
Theo bà Rachel Min Young Lee, làm việc tại Trung tâm Stimson ở Washington, video kịch tính mà KCTV công bố về Hwasong-17 là một “bước tiến lớn” trong nỗ lực xây dựng hình ảnh của Bình Nhưỡng.
Không phải lần đầu
Các nhà phân tích cho biết đây không phải lần đầu triều Tiên ngụy tạo quá trình phát triển vũ khí. Tháng 1/2016, Bình Nhưỡng thất bại trong thử nghiệm ICBM phóng từ tàu ngầm, nhưng sau đó thay đổi nội dung và đăng tải video nói đã thử nghiệm thành công.
Mason Richey, phó giáo sư tại Đại học Hankuk, nói rằng việc các cơ quan phân tích độc lập sớm phát hiện video phóng Hwasong-17 là giả đã hạ thấp uy tín của Triều Tiên, chứ chưa nói đến kết luận từ Mỹ và Hàn Quốc.
Những nhà phân tích đã tìm thấy nhiều điểm khác biệt trong đoạn video "phong cách Hollywood" của KCTV, và đưa ra những bằng chứng vụ phóng Hwasong-17 thành công là ngụy tạo.
Reuters dẫn NK News - website nghiên cứu chuyên về Triều Tiên có trụ sở tại Seoul - cho biết nhiều bằng chứng trực quan cho thấy phiên bản mà Triều Tiên công bố về sự kiện phóng ICBM là không chính xác, và thậm chí là ngụy tạo hoàn toàn về việc thử thành công Hwasong-17.
Truyền thông Triều Tiên cho biết đây là hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un ăn mừng với tướng lĩnh trong vụ phóng ICBM Hwasong-17 ngày 24/3. Ảnh: KCNA. |
NK News đã phân tích hình ảnh vệ tinh và phát hiện một số cảnh trong đoạn phim được quay sớm hơn vụ phóng ngày 24/3, có thể là trong đợt thử nghiệm thất bại hôm 16/3. Triều Tiên chưa lên tiếng xác nhận về vụ phóng tên lửa này.
“Ông Kim Jong Un muốn hướng đến người dân trong nước, nhằm dập tắt những tin đồn về vụ phóng ICBM thất bại ngày 16/3, đồng thời để tăng ‘lòng tự hào dân tộc’”, nhà phân tích Colin Zwirko của NK News nói với AFP.