KCNA hôm 25/3 cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa loại mới Hwasong-17 - được giới phân tích mệnh danh là tên lửa "quái vật" - do đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát.
Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 30/3 nói với AFP rằng Seoul và Washington đã kết luận đây chỉ là vụ phóng ICBM Hwasong-15, được Triều Tiên thực hiện năm 2017.
Theo AFP, việc đưa ra thông báo sai lệch được cho là nỗ lực của Bình Nhưỡng để "chữa cháy" vụ phóng tên lửa hôm 16/3 mà quân đội Hàn Quốc cho là đã thất bại.
Các chuyên gia cho biết vụ phóng ngày 16/3 mới là tên lửa Hwasong-17, đã phát nổ ngay sau khi phóng. Bình Nhưỡng không đưa ra bình luận về vụ phóng ngày 16/3.
Trước đó, Reuters dẫn NK Pro - trang web nghiên cứu chuyên về Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc - cho biết nhiều bằng chứng trực quan cho thấy phiên bản mà Triều Tiên công bố về sự kiện phóng ICBM là không chính xác, và thậm chí là ngụy tạo hoàn toàn về việc thử thành công Hwasong-17.
Truyền thông Triều Tiên công bố hình ảnh tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên rời bệ phóng hôm 24/3. Ảnh: KCNA. |
Hwasong-17 là ICBM lớn của Triều Tiên lần đầu tiên được trình làng vào tháng 10/2020. Loại tên lửa này chưa từng được thử nghiệm thành công trước đây.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nói rằng việc truyền thông nhà nước thông báo vụ phóng thành công ICBM hôm 24/3 có "giá trị tuyên truyền" đáng kể với chính quyền Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã thực hiện ba vụ thử ICBM, lần gần nhất là vào tháng 11/2017, với một tên lửa Hwasong-15, được cho là đủ mạnh để vươn tới địa phận Mỹ.
Hôm 28/3, truyền thông Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố sẽ xây dựng sức mạnh quân sự "áp đảo" và không thể ngăn cản.