Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong chuyến thị sát tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: AFP |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bước lên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt khi nó nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 320 km về phía nam. Sự hiện diện của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy thái độ bác bỏ mạnh mẽ của Washington với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Wall Street Journal nhận định.
Ngoài ra, việc ông chủ Lầu Năm Góc lên tàu sân bay ở Biển Đông cho thấy Mỹ muốn cân bằng các hoạt động với Trung Quốc để duy trì một cuộc đối thoại cởi mở với Bắc Kinh.
“Cách tiếp cận của Mỹ với cấu trúc an ninh châu Á là toàn diện. Chúng tôi muốn Trung Quốc trở thành một phần của hệ thống An ninh châu Á và không đứng ngoài nó”, ông Carter nói khi đứng bên cạnh một phi cơ F/A-18 trên boong tàu sân bay.
Hàng không mẫu hạm Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông trong giai đoạn nhạy cảm khi Mỹ và Trung Quốc đang trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng. Trong khi đó, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc biến Biển Đông, tuyến hàng huyết mạch của thế giới, trở thành vùng biển nóng nhất hành tinh.
“Các cường quốc chỉ có thể bị kiềm chế bởi nỗ lực tái cân bằng của các cường quốc khác. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc sẽ dẫn đến những phản ứng quân sự không thể tránh khỏi của Mỹ”, Zhang Baohui, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Lingnan tại Hong Kong, nhận định.
“Phương châm của Theodore Roosevelt là nói chuyện nhẹ nhàng nhưng luôn mang theo một cây gậy lớn. Nói chuyện nhẹ nhàng nghĩa là nói cho người khác biết những việc chúng ta có thể làm để đạt được thỏa thuận”, Carter nói về Theodore Roosevelt, vị tổng thống mà tàu sân bay mang tên.
Trong cuộc họp quốc phòng thượng đỉnh giữa ASEAN và các nước đối tác tại Malaysia, Carter khẳng định tàu sân bay là “biểu tượng của sự cam kết trong nỗ lực tái cân bằng” mà Mỹ đang thực hiện ở châu Á. Ông cũng khẳng định quyền duy trì tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển quốc tế, bao gồm Biển Đông và những vùng biển khác.