Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu ngầm Trung Quốc bám tàu sân bay Mỹ ở biển Nhật Bản

Một tàu ngầm của Trung Quốc lén bám theo tàu sân bay Mỹ hôm 24/10 trên biển Nhật Bản, chỉ vài ngày trước khi tàu của Washington áp sát đảo nhân tạo Bắc Kinh xây ở Biển Đông.

Ảnh: Curtissway.com
Siêu tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Ảnh: Curtissway.com

Theo phóng viên Bill Gertz của tờ Washington Free Beacon, vụ việc xảy ra vào ngày 24/10. Một tàu ngầm Trung Quốc lén đeo bám USS Ronald Reagan khi nó đang di chuyển từ căn cứ hải quân Yokosuka ở tỉnh Kanagawa, vòng qua cực nam Nhật Bản để tới vùng biển Nhật Bản. USS Ronald Reagan là siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ. Hiện tại nó là tàu sân bay duy nhất của Washington hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Gertz, một số tàu khác của Mỹ di chuyển gần USS Ronald Reagan lúc đó -  gồm tàu tuần dương USS Chancellorsville và các khu trục hạm USS Mustin, USS Fitzgerald, USS Curtis Wilbur.

“Người phát ngôn của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từ chối bình luận về hành vi đeo bám của tàu Trung Quốc, nhưng khẳng định sự việc như vậy đã xảy ra”, Gertz cho biết.

Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ tên của tàu ngầm Trung Quốc bám theo hàng không mẫu hạm. Họ gọi là vụ việc là cuộc chạm trán ở cự ly nhất giữa tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc và tàu sân bay Mỹ từ năm 2006. 

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước khi Mỹ điều tàu USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh bãi đá Xu Bi mà Trung Quốc chiếm và bồi lấp trái phép trên Biển Đông.

Hồi tháng 10/2009, tàu ngầm tấn công điện – diesel lớp Song (Type 039) của Trung Quốc bất ngờ nổi lên cạnh hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk của Mỹ. Sự việc khiến người ta đặt câu hỏi về khả năng tác chiến của nhóm tàu sân bay mà Mỹ sở hữu.

Xương sống của hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc gồm 13 tàu ngầm tấn công điện – diesel lớp Song (Type 039) và 13 tàu động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) lớp Yuan (Type 039A).

Cả tàu ngầm tấn công lớp Song và Yuan đều sở hữu 3 động cơ diesel siêu hiện đại 396 SE84 mà Bắc Kinh nhập khẩu từ Đức theo quyết định của nhà thầu quốc phòng Trung Quốc từ năm 1986.

Giới chuyên gia nhận định các tàu lớp Yuan thừa hưởng công nghệ tĩnh từ tàu ngầm Nga, cũng như công nghệ động cơ không khí tuần hoàn độc lập.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự Mỹ, công nghệ tàu ngầm Trung Quốc còn tụt hậu so với các nước phương Tây. Nhận định về sức mạnh hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho rằng, đến năm 2020 Bắc Kinh mới có khả năng xây dựng lực lượng từ 69 tới 78 tàu ngầm các loại. Nhóm nòng cốt trong số chúng là các tàu ngầm tấn công phi hạt nhân lớp Yuan.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm