Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Saigon One Tower đang như ngồi trên đống lửa khi tòa cao ốc này bị VAMC thu giữ để xử lý các khoản nợ 7.000 tỷ của chủ đầu tư.
'Bên em đang gom tiền trả cho khách hàng'
Bốn năm trước, bà N.T.M.H ký hợp đồng mua căn hộ số 08 lầu 29 tại dự án Saigon One Tower với diện tích hơn 250 m2. Theo bà H., giá trị thực tế của căn hộ này là 40 tỷ đồng, nhưng tại thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, dự án cũng lay lắt nên ông chủ dự án bảo bán rẻ cho bà, với giá chỉ gần 16 tỷ đồng.
Bà H. đã đóng cho chủ đầu tư 13 tỷ đồng để mua căn hộ trên.
Dự án bị thu giữ để xử lý nợ, khách mua nhà bơ vơ không biết kêu ai. Ảnh: Đình Dân. |
“Nhưng nhiều năm nay dự án không triển khai, tôi và nhiều khách hàng khác đã nhiều lần tìm chủ đầu tư để tính phương án giải quyết, nhưng họ né tránh. Bây giờ VAMC công bố thu giữ tòa nhà để xử lý các khoản nợ, chúng tôi là khách hàng mua nhà của dự án này lại không được thông báo gì? Chúng tôi bơ vơ không biết kêu ai để bảo vệ quyền lợi, chủ đầu tư thì tránh mặt”, bà H. nói.
Mấy ngày nay, nhiều khách hàng tìm đến văn phòng của chủ đầu tư dự án này là Công ty M&C tại 115 Nguyễn Huệ, quận 1. Bảo vệ công ty này cho biết một số khách hàng tự liên hệ với chủ đầu tư và đến nơi, một số khác liên lạc qua số điện thoại. Những khách liên hệ qua điện thoại luôn được nhân viên trả lời: “Bên em đang gom tiền trả lại cho khách hàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 100 khách hàng mua căn hộ tại dự án này với số tiền đã đóng mỗi người trên chục tỷ đồng. Trong đó, một nữ đại gia bất động sản ở TP.HCM mua 50 căn tại đây cũng rơi vào tình trạng bị chủ đầu tư “bỏ rơi”.
Đáng nói, có nhiều khách hàng mua căn hộ dự án này từ năm 2011 thông qua hình thức thế chấp vay vốn ngân hàng.
Một khách hàng mua căn hộ ở tầng 34 cho biết sau bao nhiêu năm mệt mỏi chờ đợi hướng giải quyết, đến nay anh chỉ hy vọng chủ đầu tư thanh lý hợp đồng, trả lại đúng khoản tiền đã đóng vào dự án.
Hợp đồng mà những người mua nhà tại dự án này phần lớn có tên “Hợp đồng xác lập vị trí và góp vốn đầu tư”, ký với Công ty Cổ phần M&C.
Vị trí dự án vừa bị siết nợ. |
“Tính pháp lý của các hợp đồng góp vốn đầu tư này khá thấp khi có tranh chấp với phía chủ đầu tư”, luật sư Hà Hải (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết.
Theo tìm hiểu, hiện nay Công ty Cổ phần M&C đã dừng hoạt động, nợ tiền lương nhân viên và bảo hiểm xã hội.
Phải bảo vệ quyền lợi khách hàng
Các chuyên gia cho rằng trong việc xử lý nợ xấu của siêu dự án “trùm mền” Saigon One Tower phải tuyệt đối bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng việc bảo vệ quyền lợi khách hàng tại dự án phải được tiến hành nhanh chóng, tránh bỏ khách hàng bơ vơ như hiện nay.
“Trong nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội có điều khoản thể hiện các bên phải bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án bị thu hồi xử lý nợ. Đây là dự án đầu tiên mà VAMC thực hiện thu hồi để xử lý nợ, nên càng phải chặt chẽ trong khâu này”, ông Châu nói.
Theo một nguồn tin, VAMC mua lại dự án này với 1.500 tỷ đồng, tức khoảng 50% giá gốc. Hiện nay, tổng nợ của dự án lên con số hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 3.500 tỷ đồng và nợ quá hạn 3.700 tỷ đồng.
VAMC mua lại công trình dự án bởi thời hạn thuê đất sẽ hết hạn trong năm 2023.
“Chủ đầu tư mới mua lại dự án này sẽ đóng tiền sử dụng đất cho 50 năm tới. Tính sơ, tổng vốn để dự án này chạy tiếp tầm 10.000 tỷ đồng. Trong đó 3.000 tỷ đồng mua, thêm 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất đến 2068. Thêm kinh phí hoàn thiện dự án, đổi lại sẽ sở hữu 150.000 m2 sàn.
Khoản nợ cũ ngân hàng trích dự phòng 50%, không tính nguồn tiền từ khách hàng đã trót mua căn hộ này đóng thêm vào”, vị này phân tích.
Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), cho biết Điều 7 Nghị quyết 42 chỉ nói về quyền thu giữ chứ không nói đến quyền sở hữu.
Chỉ thị số 06 của Ngân hàng Nhà nước giao cho VAMC thực hiện Nghị quyết 42 cũng không hướng dẫn sau khi thu giữ VAMC có được hưởng ba quyền được quy định trong pháp luật dân sự hay không (quyền định đoạt, sử dụng và sở hữu).