Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tòa nhà cao thứ 3 Sài Gòn bị thu giữ để xử lý khoản nợ 7.000 tỷ đồng

VAMC đã tiến hành thu giữ tòa nhà Saigon One Tower (tên cũ là Saigon M&C Tower) là tài sản đảm bảo của CTCP Sài Gòn One, để xử lý các khoản nợ của công ty này.

Ngày 21/8, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower, để xử lý và thu hồi nợ. Tài sản thu giữ chính là toà nhà cao thứ 3 TP.HCM có tên Sài Gòn One Tower (tên cũ là Sài Gòn M&C Tower), tọa lạc tại 34 Tôn Đức Thắng, quận 1.

Toa nha cao thu 3 tai Sai Gon bi thu hoi xu ly no anh 1
Toà nhà Saigon One Tower (tên cũ là Saigon M&C Tower) cao 42 tầng, toạ lạc ở vị trí đắc địa của trung tâm TP HCM.  Ảnh: Lê Quân.

Danh mục tài sản đảm bảo sẽ thực hiện thu giữ bao gồm quyền sở hữu và quyền khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng hầm; khu trung tâm thương mại; khu văn phòng cho thuê và các công trình phụ. Cùng với đó là quyền sở hữu 14.954,8 m2 diện tích khai thác kinh doanh thực tế của khu căn hộ cao cấp thuộc dự án, bao gồm 15 tầng căn hộ với diện tích sàn từ 200 m2 đến 1.000 m2.

Trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với MaritimeBank, DongABank đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C, với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.

VAMC đã có yêu cầu CTCP Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm trước ngày 5/5, để xử lý nợ, nhưng công ty chưa thực hiện.

Khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower dự kiến hoàn thành vào năm 2009 và trở thành tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM với chiều cao trên 195 m. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng) và được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công.

Chủ đầu tư dự án, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, ban đầu do các cổ đông "đình đám" sáng lập. Đó là Công ty cổ phần M&C ( nắm 49%), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (nắm 30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ (5%).

Toa nha cao thu 3 tai Sai Gon bi thu hoi xu ly no anh 2
 

Khu đất vàng của dự án Saigon One Tower có diện tích 6.672 m2. Tại đây chủ đầu tư được phép xây dựng một tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2 (tính cả hầm khoảng 152.000 m2).

Là dự án lớn lại nằm tại vị trí đất vàng thuộc trung tâm TP.HCM, nhưng sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào khó khăn. Đến cuối năm 2011, khi 80% khối lượng công trình đã hoàn thành, dự án bắt buộc phải ngừng thi công.

Thời gian sau đó, các cổ đông sáng lập ban đầu là DongABank, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và PNJ lần lượt thoái vốn. Công ty Cổ phần M&C ngưng hoạt động vì nợ thuế … Dự án bị UBND TP.HCM cho thanh tra toàn diện và đắp chiếu cho đến nay.

Trong buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm vào giữa tháng 6, lãnh đạo TP.HCM thông tin dự án cao ốc Saigon One Tower bị ngưng trễ là mâu thuẫn nội bộ. Gần đây, việc tranh chấp giữa các chủ đầu tư đã được giải quyết ổn thỏa. Các bên đã thống nhất việc chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi. Hiện đã có nhà đầu tư đứng ra tiếp tục theo đuổi dự án này.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành tạo mọi điều kiện và thúc đẩy chủ đầu tư mới triển khai nhanh dự án. Kỳ vọng của thành phố là dự án có thể sớm đi vào hoạt động ngay cuối năm nay; tránh ảnh hưởng đến bộ mặt của khu vực trung tâm thành phố.

Bộ sưu tập đất vàng của Bitexco ở Sài Gòn đang mắc kẹt ra sao?

Trải qua một giai đoạn làm BT, quỹ đất vàng của Bitexco ở TP.HCM tương đối nhiều nhưng kể từ khi giao đến nay, phần lớn các dự án vẫn chỉ nằm ở giai đoạn chuẩn bị.



Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm