Những người ủng hộ phong trào đòi độc lập của Scotland tập trung bên ngoài Tòa án Tối cao Anh. Ảnh: AP. |
Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Anh, Nghị viện Scotland "không có quyền tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để khu vực này tách khỏi Anh".
Chánh án Tòa án Tối cao Robert Reed cho biết cả 5 thẩm phán đều bỏ phiếu bác yêu cầu của Scotland, 6 tuần sau khi các luật sư đại diện cho phong trào đòi độc lập của Scotland và đại diện của chính phủ đảng Bảo thủ của Anh tranh biện vụ việc trước tòa án tại thủ đô London.
Phán quyết của Toà án Tối cao cho biết "việc thông qua một đạo luật có các điều khoản cho phép Scotland bỏ phiếu để tách khỏi Anh, chấm dứt quyền lãnh đạo của Nghị viện Anh đối với Scotland sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lực của cơ quan này".
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết phán quyết của tòa án "là rất rõ ràng". Ông đề nghị các chính trị gia tại thủ đô London và Scotland gác lại vấn đề này để tập trung vào những thứ cấp bách hơn như cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh.
"Người dân Scotland muốn chúng ta cũng làm việc để khắc phục những vấn đề lớn mà chúng ta đều phải đối mặt, dù đó là thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) hay giải quyết tình hình xung đột ở Ukraine", Thủ tướng Sunak cho biết.
Bộ trưởng Thứ nhất trong nội các Scotland Nicola Sturgeon cho biết bà sẽ tôn trọng phán quyết của tòa án, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi độc lập cho Scotland.
Bộ trưởng Thứ nhất của chính quyền Scotland Nicola Sturgeon. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi nước Anh vào năm 2014, 55% người dân Scotland đã bỏ phiếu từ chối trở thành một quốc gia độc lập.
Tuy nhiên, chính quyền tại Scotland muốn tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác, với lập luận rằng việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu - một quyết định mà phần lớn người dân Scotland phản đối - đã thay đổi hoàn toàn tình hình chính trị và kinh tế tại khu vực này.
Scotland và Anh đã được hợp nhất thành một thực thể chính trị kể từ năm 1707. Scotland có nghị viện và chính phủ riêng kể từ năm 1999, được tự quyết định một số vấn đề như chính sách y tế công và giáo dục. Trong khi đó, chính phủ Anh được quyền quyết định các vấn đề như quốc phòng và chính sách kinh tế.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.