Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tố cáo qua fax, thư điện tử là kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng?

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc mở rộng hình thức tố cáo bằng văn bản bao gồm bản fax và thư điện tử là không khả thi, có thể bị kẻ xấu lợi dụng để vu cáo, vu khống.

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm về quy định hình thức tố cáo được bổ sung trong dự thảo.

Theo dự thảo, việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc lời nói. Tố cáo bằng văn bản gồm: tố cáo bằng bản giấy, bản fax hoặc thư điện tử. Còn tố cáo bằng lời nói gồm: tố cáo được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tố cáo qua điện thoại.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn đại biểu Đắk Nông) cho rằng trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, việc sử dụng thư điện tử, fax để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật sẽ thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước xem xét, xác minh trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật.

luat to cao anh 1
Đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn đại biểu Đắk Nông). Ảnh: Quochoi.vn

Ông Tín nói việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể qua nhiều kênh thông tin như tố giác, phản ánh, kiến nghị. Nhưng trong quan hệ tố cáo và giải quyết tố cáo cần có chủ thể là người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.

“Nếu tố cáo được thực hiện qua thư điện tử, bản fax trong nhiều trường hợp không xác định được người tố cáo là ai. Đây có thể là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự người khác”, ông Võ Đình Tín lo ngại.

Theo vị đại biểu Quốc hội, việc tố cáo công chức, viên chức trong thực hiện công vụ rất phức tạp, cần được tiếp nhận, xử lý chặt chẽ. Việc mở rộng hình thức tố cáo cũng cần thêm các điều kiện về kỹ thuật, nhân lực, cơ sở vật chất để xác minh, kết luận đơn tố cáo.

“Trong bối cảnh hiện nay việc mở rộng hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại là khó khả thi”, ông Tín đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo mà giữ nguyên quy định như luật hiện hành.

Có cùng quan điểm, ông Phạm Đình Cúc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như hiện hành gồm bằng đơn và tố cáo trực tiếp. "Thêm hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, quá tải cho cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm người tố cáo sai sự thật".

Ông Cúc nói trong bối cảnh nhiều đơn thư tố cáo kéo dài chưa được giải quyết, việc giữ nguyên hình thức tố cáo sẽ phù hợp với tình hình hiện nay.

Đại biểu Trần Hồng Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho rằng cần cân nhắc thận trọng khi bổ sung hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử. Quy định mới có thể làm phát sinh chi phí, nguồn lực, thời gian và gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc xử lý thông tin tố cáo.

Theo ông Hà, với hình thức tố cáo như hiện nay, có đến 60% tố cáo sai, trên 20% tố cáo vừa đúng vừa sai, chỉ có hơn 10% tố cáo đúng. “Rất khó kiểm soát người tố cáo qua máy fax dịch vụ ngoài xã hội, hợp thư điện tử được lập ảo dễ dàng. Tố cáo trực tiếp có hình thức lập biên bản, người tố cáo ký hoặc điểm chỉ xác thực nhưng tố cáo qua điện thoại rất khó xác định chính xác người sử dụng sim rác”.

luat to cao anh 2
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An). Ảnh: Quân Minh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An) là một trong số ít người ủng hộ việc tố cáo qua thoại. Theo Giám đốc đốc Công an tỉnh Nghệ An, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định cơ quan chức phải tạo điều kiện để người dân tố cáo trực tiếp, bằng văn bản, qua điện thoại hoặc qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định.

“13 năm trước Quốc hội chấp nhận cái này nhưng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng còn gặp nhiều có khăn. Tại sao chúng ta lại bỏ cái này đi, như vậy không đúng. Tố cáo là quyền hiến định, chúng ta có trách nhiệm tiếp nhận và trả lời đầy đủ”, ông Cầu nhấn mạnh cho rằng bỏ các hình thức tố qua điện thoại sẽ làm mất kênh thông tin rất quan trọng.

Sau khi một số đại biểu kiến nghị bỏ hình thức tố cáo qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục đứng lên tranh luận.

Ông cho rằng cán bộ Nhà nước hưởng lương từ thuế do người dân đóng góp thì phải có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của dân. Công nghệ sẽ góp phần quan trọng trong việc lọc thông tin chính xác. 

Người đứng đầu ngành Công an tỉnh Nghệ An lấy trường hợp lực lượng cảnh sát 113 làm ví dụ. Đây là nơi hàng ngày phải nhận rất nhiều thông tin.

"Chúng ta bảo là tố cáo qua điện thoại khó quá tôi không làm. Thế thì nói gì nữa. Để người dân thực hiện quyền hiến định thực sự, chứ đừng vì khó khăn của cơ quan Nhà nước. Chúng ta chọn việc dễ chúng ta làm, còn việc khó chúng ta thôi thì không ổn”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Tuy nhiên, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) lại cho rằng tố cáo khác tố giác tội phạm như ví dụ ông Cầu vừa nêu. Tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội, khi tố giác cần áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn để tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Còn vi phạm thực hiện công vụ trong quản lý nhà nước có thời gian tiếp nhận tố cáo bằng văn bản hoặc lời nói.

Theo bà Hà sẽ hợp lý hơn nếu người tố cáo gọi điện thoại rồi hẹn gặp để trình bày cụ thể những vấn đề liên quan đến danh dự, chất lượng hiệu quả cơ quan hành chính Nhà nước.

Lần thứ 3 tham gia tranh luận, Giám đốc Công an Nghệ An đề nghị bổ sung thêm quy định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ tố cáo vì người tố cáo không hợp tác với người giải quyết. “Dù anh có điện thoại, có fax mà không hợp tác thì tôi đình chỉ. Có vấn đề gì đâu”, ông Cầu nói nếu người tố giác tích cực phối hợp thì cần phải giải quyết, trả lời đầy đủ.

Đại biểu Quốc hội lo nhà đầu tư chiến lược có thể chi phối đặc khu

Đại biểu Võ Thị Như Hoa nói trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược mà không giới hạn có thể khiến các đơn vị này chi phối việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đặc khu.


Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm