Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội lo nhà đầu tư chiến lược có thể chi phối đặc khu

Đại biểu Võ Thị Như Hoa nói trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược mà không giới hạn có thể khiến các đơn vị này chi phối việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đặc khu.

Vân Đồn có gì trước ngày thành đặc khu kinh tế? Với những tiềm năng về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, Vân Đồn được định hướng trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước.

Sáng 23/5, thảo luận về Luật đặc khu, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong bản dự thảo luật, trong đó có ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược và phân quyền về hoạt động tư pháp ở đặc khu.

Không thể bỏ qua phần đánh giá nhà đầu tư, dự án

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) nói việc cấp giấy đầu tư theo thủ tục rút gọn là cần thiết để sớm triển khai dự án đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả dự án mới là điều quan trọng.

“Cần có sự đánh giá kỹ lưỡng, không nên vì tiến độ mà không đánh giá đầy đủ tính khả thi, hiệu quả của dự án”, bà Hoa nói.

Nữ đại biểu lo ngại về quy định không cần đánh giá thông tin nhà đầu tư; mục tiêu, quy mô, địa điểm, tiến độ dự án; khả năng tạo việc làm, đóng góp xã hội và công nghệ dự án.

“Không đánh giá thông tin thì làm sao khẳng định nhà đầu tư có đủ điều kiện, tư cách pháp lý để thực hiện dự án. Không đánh giá mục tiêu, quy mô, địa điểm thì làm sao biết dự án phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển của đặc khu…”, bà Hoa nói.

Quoc hoi thao luan ve luat dac khu anh 1
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Quân Minh.

Đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng cho rằng khi đã cấp giấy đầu tư thì nhà đầu tư có quyền. Nếu việc triển khai dự án không phù hợp định hướng phát triển của đặc khu, gây hệ lụy cho xã hội sẽ xử lý thế nào?

Theo bà Hoa, chỉ nên bỏ qua các thủ tục không cần thiết, không nên bỏ nội dung đánh giá. Việc rút gọn thủ tục phải bằng rút ngắn thời gian, thực hiện đồng bộ đồng thời nhiều nội dung.

Về việc trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược, đại biểu Võ Thị Như Hoa cho rằng cần có cơ chế ưu đãi nhất định. Tuy nhiên, cần cân nhắc kĩ khi trao các quyền để đảm bảo điều kiện tối ưu cho nhà đầu tư chiến lược nhưng không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của chính quyền.

Dự thảo luật thể hiện nhà đầu tư có quyền tham gia vào quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại đặc khu.

Bà Hoa nói việc trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược mà không giới hạn có thể khiến các đơn vị này chi phối hoạt động hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đặc khu có lợi cho họ và làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các nhà đầu tư khác.

“Nhà đầu tư chiến lược phải bình đẳng với các nhà đầu tư khác trong công tác quy hoạch, xây dựng chính sách. Do đó việc trao quyền cho nhà đầu tư như trên là không phù hợp. Chỉ nên cho nhà đầu tư chiến lược hưởng cơ chế ưu đãi trong dự án đầu tư”, đại biểu Võ Thị Như Hoa nêu quan điểm.

Dồn án hành chính lên TAND cấp tỉnh

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) dành sự quan tâm đến các quy định liên quan hoạt động tư pháp tại đặc khu. Theo dự thảo luật, tòa án đặc khu được tăng thẩm quyền đối với các vụ án dân sự. Hầu hết vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp tỉnh sẽ được chuyển cho tòa án đặc khu giải quyết. Về án hình sự, dự thảo quy định tòa án đặc khu được xét xử tội phạm đến 15 năm tù.

Bà Thủy băn khoăn việc dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu trong các vụ án hành chính (án dân kiện chính quyền). Theo đó, mọi khiếu kiện của người dân về quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND sẽ do tòa án cấp tỉnh giải quyết. 

Quoc hoi thao luan ve luat dac khu anh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Quân Minh.

Nêu ra 5 vấn đề, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng quy định này cần sửa đổi.

Trước hết, với sự phát triển năng động của các đặc khu sẽ gia tăng các vụ án dân sự, án hành chính liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng… Trong 3 đơn vị Quốc hội đang thảo luận, riêng huyện Phú Quốc có số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện tăng gấp gần 2 lần.

Theo bà Thủy, nếu lo ngại tòa án đặc khu thụ lý án hành chính liên quan đến UBND và chủ tịch cùng cấp sẽ không vô tư khách quan thì sẽ không thể giải thích được việc pháp luật hiện hành đang giao cho TAND 63 địa phương giải quyết khiếu kiện đối với UBND và chủ tịch UBND cấp tỉnh.

“Lập luận này chưa phù hợp với chủ trương của Đảng cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy cơ quan tư pháp”, bà nói.

Nữ đại biểu nói quy định trong dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại của người dân, nhà đầu tư do cả 3 đặc khu cách xa trung tâm hành chính. Để đến TAND tỉnh Kiên Giang, người dân Phú Quốc phải đi tàu vượt 120 km đường biển.

Trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm do Tòa án cấp cao giải quyết. Bà Thủy nói người dân theo kiện sẽ rất vất vả vì cả nước hiện chỉ có 3 tòa án cấp cao đặt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Đó là chưa kể quy định tố tụng hành chính, chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia quá trình giải quyết vụ án hoặc ủy quyền cho phó chủ tịch. Sau 2 năm thi hành luật, nhiều địa phương đã yêu cầu sửa quy định này vì với lượng phó chủ tịch khống chế, riêng việc điều hành chỉ đạo đã là quá tải.

“Các đặc khu đều được dự báo phát triển nóng trong thời gian tới, đòi hỏi người đứng đầu phải quản lý nhanh nhạy, hiệu quả nhưng mặt khác cũng phải tham gia đầy đủ các phiên tòa ở tỉnh. Và nếu lên tỉnh tham gia đầy đủ các phiên tòa thì có thể ảnh hưởng đến việc điều hành của địa phương. Không tham gia phiên tòa sẽ ảnh hưởng trực tiếp việc đối thoại, tăng bức xúc của người dân”, bà Thủy nêu.

Trong vấn đề cuối cùng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng mối tương quan giữa hành pháp và tư pháp còn khoảng cách khá lớn. Nếu UBND và Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền của cơ quan nhà nước cấp trên thì cơ quan tư pháp đặc khu vẫn không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện với UBND, chủ tịch cùng cấp.

Nữ đại biểu cho rằng quy định trong dự thảo đang dồn toàn bộ án hành chính sẽ lên tòa án cấp tỉnh cũng như tòa án cấp cao. "Các cơ quan tư pháp với thẩm quyền được giao phù hợp chính là những bảo đảm cần thiết vận hành cơ chế đặc thù ở đặc khu" - nữ đại biểu nói.

Dự thảo luật đặc khu có gì khác kỳ họp trước?

So với dự thảo trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, luật đặc khu đã có nhiều chỉnh sửa về tên gọi, ngành nghề ưu tiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Quyền lực càng cao càng cần phải giám sát

Ủng hộ việc ban hành luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng ban soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đại biểu để hoàn thiện luật phù hợp với thực tế.

Ông cũng nhất trí quan điểm trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần có tổ chức HĐND để thực hiện giám sát.

Theo ông, quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới hoặc thường xuất hiện cái nóng thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực. "Điều này giúp không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, làm mất niềm tin, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm suy thoái niềm tin. Đơn vị nếu có sai phạm rất khó điều chỉnh vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới", đại biểu Quảng Bình nhấn mạnh.

Quoc hoi thao luan ve luat dac khu anh 3
Đại biểu quốc hội đề nghị chỉnh sửa giao quyền cho UBND đặc khu thu hồi đất. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu là cần thiết. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt các quy định cho chủ tịch để giao cho UBND để đơn vị này uỷ quyền trách nhiệm cho phó chủ tịch và các ban ngành chuyên môn.

Theo dự thảo, nhiều nội dung chủ tịch ký cấp quyết định như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp đổi thu hồi giấy phép thành lập hoạt động các chi nhánh văn phòng đại diện…

"Chủ tịch không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề. Việc gì chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn. Vị trí chủ tịch dễ vi phạm khuyết điểm. Một trăm làm việc tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm", ông Nguyễn Ngọc Phương phân tích.

Về thu hồi đất để thực hiện dự án, vị đại biểu cho hay dự thảo quy định 3 trường hợp UBND đặc khu quyết định thu hồi đất theo quy định Luật Đất đai 2013 là điểm quan trọng cần xem xét. Theo luật, các doanh nghiệp tự thoả thuận và thực tế nhiều dự án 10-15 năm không thực hiện được do 1-2 gia đình không chấp nhận.

"Vì vậy, tôi đề nghị chỉnh sửa giao quyền cho UBND đặc khu thu hồi đất, nếu không rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện", đại biểu Phương nói thêm.

Nhiều tranh luận chờ Quốc hội quyết về luật đặc khu

Dự kiến được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, luật đặc khu vẫn còn những ý kiến tranh luận trái chiều về nhiều vấn đề, đặc biệt là mô hình tổ chức chính quyền.




Bá Chiêm - Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm