Sáng 18/5, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đặc khu - thể chế chính sách và kỳ vọng thành công”.
Muốn cơ chế minh bạch, cởi mở thay vì xin - cho
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng khi thành lập đặc khu, Việt Nam cần phải tận dụng hết các cơ hội, nhưng cũng cần giảm thiếu tối đa các rủi ro có thể gặp phải.
Ông nhấn mạnh, không chỉ ưu đãi về thuế, muốn xây dựng đặc khu thành công thì phải tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và hạ tầng tốt.
“Việt Nam cần đầu tư vào cái giúp tạo ra việc làm, tăng năng suất trong tương lai. Không nên quá tập trung vào ưu đãi thuế mà nên nhắm vào các ngành kinh tế mang tính chiến lược. Ngoài ra chính quyền phải có cách quản trị tốt, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình”, ông nói.
Đồng quan điểm trên, ông Teo Eng Cheong, Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore), nhấn mạnh Việt Nam cần phải xác định tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng với các đặc khu.
Muốn thực hiện mô hình thành công, chủ yếu phụ thuộc vào môi trường đầu tư, vị trí các đặc khu, tập trung vào khả năng kết nối, gắn kết với nền sản xuất trong nước. Ông lưu ý Việt Nam cần có những ưu đãi thông minh, chú trọng tới đầu tư chiến lược thay vì cào bằng và ưu đãi bằng thuế.
Ông Lê Minh Dũng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Bim Group, cho biết với vai trò là nhà đầu tư, doanh nghiệp mong muốn có thể chế minh bạch.
“Đối với các nhà đầu tư chiến lược, hiện nay các luật định rất chồng chéo. Hy vọng sau này khi lên đặc khu, chính sách một cửa phân quyền về đầu tư, quy hoạch, phê duyệt được phân quyền về đặc khu. Chúng tôi mong muốn các thể chế minh bạch, cởi mở chứ không phải cơ chế xin cho", ông nói.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng đồng tình với việc cần có cơ chế chính sách minh bạch, đơn giản, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông băn khoăn có luật rồi thì phải tìm được người tài có đủ trình độ, có năng lực để giúp hiện thực hóa những cơ chế đột phá trong luật. Để vậy, cũng cần có chính sách đột phá về thu hút người tài, cán bộ song song với chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.
Cụ thể hóa cơ chế để triển khai
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc thành lập các đặc khu ở Việt Nam cũng như sự ra đời của Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ông cho rằng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập, mở cửa, hạn chế của mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay, Chính phủ đã nghiên cứu mô hình đặc khu, dự kiến được xây dựng ở 3 nơi là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Phú Quốc là một trong 3 địa phương được chọn xây dựng đặc khu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại đây, Việt Nam mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với thể chế, chính sách vượt trội, nhằm cạnh tranh và thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngay tại trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh lần đầu tiên Việt Nam chủ động tạo sân chơi quốc tế ngay trên lãnh thổ của mình.
Ông cũng cho biết các khu đặc khu được định hướng phát triển 2 mục tiêu chính. Thứ nhất giúp tạo cực tăng trưởng và lan tỏa ra toàn nền kinh tế, thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực có tính cạnh tranh, theo xu thế. Đặc khu cũng là nơi đáng sống, thịnh vượng về kinh tế, công bằng, bảo bệ môi trường.
Thứ hai, đặc khu sẽ tạo ra sân chơi mới với chính sách vượt trội cho khởi nghiệp, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghệ cao, hậu cần, cảng biển, sân bay, thương mại dịch vụ…
Ông nhấn mạnh sự cần thiết của mô hình đặc khu và nói rằng “việc ban hành luật là đương nhiên”. Dự kiến dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 5 tới.
Vấn đề còn lại là thực thi luật, triển khai thực hiện ra sao là vấn đề rất quan trọng.
“Việc ban hành luật là đương nhiên, nhưng chúng ta cần cụ thể cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, đưa được chính sách vào thực tiễn”, ông nói.