Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng: Đảm bảo chính sách vượt trội, cạnh tranh cho 3 đặc khu

Giải trình trước Quốc hội chiều 22/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói chính sách trong dự thảo luật đặc khu đảm bảo vượt trội so với các mô hình trong nước và cạnh tranh quốc tế.

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ báo cáo giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu. 

Dự án luật được Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội ngày 10/11 vừa qua. Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận tại 2 kỳ họp, và sẽ bỏ phiếu quyết định tài kỳ họp đầu của năm 2018.

Quan điểm của Bộ Chính trị về luật đặc khu

Luật áp dụng chung cho 3 đơn vị... có tính đến đặc thù của từng đơn vị. Các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong luật và đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

3 đặc khu dự kiến xây dựng

- Vân Đồn (Quảng Ninh)

- Bắc Vân Phong (Khánh Hoà)

- Phú Quốc (Kiên Giang)

Quoc hoi bat dau thao luan luat dac khu anh 1
  • Tính tự chủ, tự quản là linh hồn của đặc khu

    Đại biểu Thạch Phước Bình thống nhất việc cần thiết phải ban hành luật. Đây là điều kiện tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá.

    Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng luật, ông cho rằng không nên chỉ giới hạn trong 3 đặc khu, vì mang tính cá biệt, không có tính linh động với đơn vị đặc khu khác sau này thành lập.

    Vì thông qua luật, việc thành lập từng đơn vị đều có nghị quyết của Quốc hội, vì thế, nên có điều chỉnh về phạm vi và đối tượng áp dụng luật. 

    Ông cũng đề nghị bổ sung tiêu chí rõ ràng, cụ thể thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tránh lợi dụng.

    Ông cho rằng tính tự chủ, tự quản là linh hồn, vì thế không nên hành chính thuộc tỉnh, mà nên thuộc Chính phủ, và được phân cấp từ Chính phủ, và tỉnh, người đứng đầu có thể phân quyền từ Chính phủ và các bộ ngành, tỉnh.

    Đại biểu này ủng hộ mô hình trưởng đơn vị hành chính đặc biệt vì có đột phá. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhiệm vụ có đột phá về giao thẩm quyền. Việc giám sát cần theo dõi thêm, vì chưa thấy rõ trách nhiệm. 

    Quoc hoi bat dau thao luan luat dac khu anh 2

     


  • Môi trường thông thoáng quan trọng hơn ưu đãi thuế, đất đai

    ĐB Nguyễn Sơn cũng đồng tình cao với sự cần thiết về việc thành lập 3 đặc khu, với thể chế vượt trội để tạo được cực tăng trưởng. Ông xem đột phá thể chế là quan trọng nhất. Ông Sơn cũng ủng hộ phương án Trưởng đặc khu, mà ông cho rằng đột phá.

    Với 5 nhóm chính sách cụ thể trong luật, ông cho rằng có ưu đãi vượt trội. Nhưng quan trọng nhất là đồng bộ trong tiếp cận, thủ tục hành chính thuận lợi, khung pháp lý tiện lợi cho nhà đầu tư. Việc tạo môi trường thông thoáng này theo ông quan trọng hơn là ưu đãi thuế, đất đai.

    Vì thế, theo ông cần làm rõ hơn sự tinh gọn thủ tục, xóa rào cản tiếp cận chính sách. Sự vướng mắc nhiều khi nằm tại bộ ngành, chức năng, địa phương. Nếu luật không quy định rõ, đặc khu khó đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Cần có đầu mối xử lý vướng mắc của nhà đầu tư.

    Ông đề xuất phần nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan bộ ngành, ngoài phần hướng dẫn, cần thống nhất, đồng bộ, tránh dè dặt, dựng hàng rào chuyên môn. 

  • Nguyên tắc thu hút đầu tư phải tăng cường nội lực Việt Nam.

    Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề về mục tiêu và cách làm đặc khu. 

    "Nhiều quốc gia thành lập đặc khu kinh tế đã thất bại vì cách làm chứ không phải vì mục tiêu", ông nói.

    Từ đó, ông đề nghị phải xác định nguyên tắc chi phối về đầu tư vào đặc khu. Trong đó nguyên tắc đầu tiên là phải tăng cường nội lực Việt Nam; tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc… Nhà đầu tư nào đáp ứng được nguyên tắc này thì chúng ta mới cho vào làm.

     

    Quoc hoi bat dau thao luan luat dac khu anh 3

    Đại biểu Nghĩa nói ông "thấy hơi lạ về cách làm" khi là đưa vào đó 3 đơn vị cụ thể.

     

    Chúng ta có Luật thủ đô, vì thủ đô là duy nhất và được Hiến định. Nhưng Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc thì không phải đặc biệt. "TP.HCM cũng chỉ cần một nghị quyết của Quốc hội, sao các địa phương này lại có luật nêu cụ thể", ĐB Nghĩa nêu.

     

    Ông đề nghị thành lập luật chung về đặc khu kinh tế. Nếu xuất hiện các đặc khu mới, có cơ hội mới thì Quốc hội ra Nghị quyết. Như vậy chúng ta không phải sửa luật nữa.

     

     

    Phân tích về ưu đãi liên quan đến đất đai, ông Nghĩa cho rằng không cần phải nâng mức cho thuê lên 99 năm. Việc định nghĩa về nhà đầu tư chiến lược cũng cần làm rõ, không dễ dãi. 

    Ví dụ đầu tư vào casino, với 44.000 tỷ được cấp 99 năm mà nếu 30 năm nữa casino thất bại chúng ta có thu hổi? 50 năm nữa con người còn chơi casino không? Do vậy, ĐB Nghĩa đề nghị xem lại khái niệm đầu tư chiến lược.

    Thứ nữa có quyền giao Thủ tướng nhưng ông đề nghị có quyền giao Chính phủ. Vì nếu chỉ giao cho Thủ tướng và người lãnh đạo tỉnh thì thiếu tính giám sát.

    Đại biểu này cũng đề xuất nếu dự án thất bại, phải có quy định trả lại đất. Muốn thay đổi ngành nghề khác thì phải làm lại thủ tục, không giữ lại đất. 

     


  • Đại biểu đề nghị sớm ban hành luật

    Đại biểu Bùi Thu Hằng cho biết nhất trí với tờ trình, đề xuất Quốc hội thông qua luật. Dự án có sự soạn thảo kỹ càng, nghiên cứu kỹ các mô hình trong thời gian qua, căn cứ xây dựng dự án luật bảo đảm hợp hiến.

    Cho rằng dự án lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam là luật khó, phức tạp, bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sao cho kết quả có luật vận hành đồng bộ với các luật chuyên ngành đã ban hành.

    Theo quan điểm dò đá qua sông vừa làm vừa hoàn thiện, đại biểu đề nghị sớm ban hành luật, là luật khung, sau đó Chính phủ trên cơ sở đó sẽ tiếp tục.

    Góp ý về một số quy định, đại biểu cho biết băn khoăn với việc có hai nhà đầu tư chiến lược đề xuất thì lựa chọn như thế nào. Quy định về hỗ trợ trưởng đơn vị hành chính, nghĩa vụ hỗ trợ bắt buộc là không hợp lý, gây khó cho nhà đầu tư.

    Với điều khoản về thuê đất, mặt nước quy định 70-99 năm theo bà là quá dài, đề nghị chỉ cho thời gian 50 năm để phù hợp với luật đất đai, vì hiện nay nếu cho thuê quá thời gian này phải được Thủ tướng cho phép.

    Đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định liên quan đến phí và lệ phí, vốn chưa được nêu trong dự thảo luật. 

  • Tổ chức chính quyền nên gọn nhẹ, quyền lực tập trung

    Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị đổi tên luật thành Luật đặc khu để nếu có thành lập đặc khu mới mà không cần sửa luật.

    Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) thống nhất thành lập 3 khu hành chính – kinh tế đặc biệt, có cơ chế để lan tỏa, thu hút đầu tư cho nền kinh tế. Về tổ chức chính quyền, nên tổ chức HĐND gọn nhẹ, tăng cường chức năng giám sát. Về UBND có thể đổi tên thành UB hành chính, trong đó có chủ tịch và các ủy viên phụ trách giúp việc cho chủ tịch – điều này không trái với Hiến pháp 2013. Việc tổ chức bộ máy phải đảm bảo gọn nhẹ, quyền lực tập trung cho người đứng đầu để đảm bảo sự phát triển cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được xuyên suốt và thống nhất.

  • Thành lập đặc khu là chậm nhưng phù hợp

    ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng nếu nhìn ra thế giới thì mô hình này đã có từ lâu. Thâm Quyến là mô hình thành công hiện nay. Việc thành lập đặc khu ở Việt Nam là chậm nhưng là phù hợp. Bộ luật ra đời sẽ thúc đẩy việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

    Đại biểu Phương tôi thống nhất khoản 1 và 3 của điều 4, nhưng không đồng ý khoản 2 vì quy định cụ thể một số ngành nghề các đặc khu.

    Theo ông, việc quy định như vậy là quá cụ thể, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Trong luật càng quy định ít ngành nghề thì càng tốt. Hoặc định hướng chỉ nêu khuyến khích một số ngành nghề mà chúng ta khuyến khích.

    Ông cũng tán thành phương án 1, theo thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đại biểu này ủng hộ việc Trưởng đơn vị bổ nhiệm Phó của mình. Tuy nhiên chỉ hạn chế ở 2 phó, tránh việc gia tăng do nhu cầu quá cao.

  • Đại biểu tranh luận việc có nêu 3 đặc khu cụ thể trong luật

    Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tranh luận với đại biểu Trương Tọng Nghĩa và đại biểu Phạm Văn Hòa khi nói rằng luật này làm luật chung về đặc khu kinh tế.

    Tuy nhiên đại biểu Thanh cho rằng nên làm luật chỉ có 3 đặc khu thì tốt hơn do chúng ta chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngay nghị quyết Trung ương Đảng cũng nói rằng đây là thử nghiệm. “Tôi cho rằng cách đi như thế này hay hơn so với việc làm luật chung”, đại biểu Thân nói.

    Cũng theo ông Thân, trong việc đầu tư kinh tế cần tính rộng hơn, ví dụ đầu tư casino thì khi khách tới không chỉ chơi casino mà còn ăn uống, ngủ nghỉ, còn tạo thêm công ăn, việc làm… Vì vậy không chỉ nghĩ đầu tư theo hướng nếu họ đầu tư 10, thu 8, ta chỉ được 2 thì sẽ không làm. Cần phải thể hiện tính ưu việt về cả kinh tế và chính trị thì ta mới lôi kéo được nhà đầu tư.

    Quoc hoi bat dau thao luan luat dac khu anh 4

    Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh lại ủng hộ cách tiếp cận của đại biểu Nghĩa, nên tách 3 đơn vị hành chính đặc biệt ra khỏi dự án luật.

    Ủng hộ việc có cơ chế chính sách để hình thành khu vực tăng trưởng cao, thu hút đầu tư, tạo ra tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, ông cho rằng, việc tách 3 đơn vị khỏi luật giúp làm vững chắc, phù hợp nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế việc Quốc hội thông qua lại thường xuyên phải điều chỉnh.

    Ông đề xuất xây dựng 3 nghị quyết cho 3 đơn vị hành chính đặc biệt, để áp dụng cơ chế chính sách phù hợp từng địa phương. Khi cần sửa đổi cho phù hợp phát triển sẽ phù hợp thức tế và không làm ảnh hưởng đến các đơn vị còn lại.

  • Việc bảo vệ quốc phòng, an ninh ở các đặc khu ra sao?

    Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết ghi nhận các địa phương thành lập đặc khu đều đã chuẩn bị rất tốt, xây đựng đề án thành lập đặc khu. Quan trọng hơn là tạo đồng thuận của người dân khu vực này.

    Tuy nhiên, ông Tuyết lưu ý, địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị hành chính đặc biệt đều là những nơi có địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh. Vì vậy, cần làm rõ việc bảo vệ quốc phòng - an ninh tại đây.

    Ông cũng lưu ý cần đánh giá tác động về việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư.



  • Quoc hoi bat dau thao luan luat dac khu anh 5


    Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm ủng hộ mô hình trưởng đặc khu vì sẽ tạo đột phá, và đã có cơ sở từ mô hình chính quyền đô thị và các thử nghiệm trước đó.

     

     

  • ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nhất trí việc ban hành luật này cũng như lựa chọn 3 địa điểm xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

    Đã là đặc khu thì phải khác biệt hẳn với các đơn vị hành chính khác, phải tính đến độ mở của nó. Đặc khu cần trao cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, để cạnh tranh cách đặc khu trên thế giới, nhưng không cạnh tranh với nhau.
    Du lịch ưu tiên được phát triển tại cả 3 khu. Như vậy, sự trùng lặp ngành nghề ưu tiên có dẫn tới việc cạnh tranh các đơn vị hành chính hay không? Đề nghị Chính phủ giải thích làm rõ thêm.
    Tôi rất tán hành cần thu hẹp, thu hẹp hơn nữa những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra còn cần bổ sung quy định các ngành nghề theo từng thời kỳ cho phù hợp, do có nhiều ngành nghề thậm chí còn chưa hình thành vào thời điểm hiện tại.
    Số lượng người lao động tại đặc khu sẽ biến động rất lớn, cần có giải pháp quản lý hiệu quả. Cần tính đến các nhóm đối tượng là người dân đã sinh sống lâu năm tại đây. Tránh việc người dân bản địa mất nơi cư trú, mất nghề, ảnh hưởng đến an ninh xã hội.

  • ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) ủng hộ quan điểm là tinh gọn nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Một phương án thì không có HĐND, một phương án thì như HĐND hiện tại, không đột phá.

    Ông đề xuất tổ chức Hội đồng đặc khu gồm có nhiều chuyên gia về đô thị, giao thông… Hội đồng này do Quốc hội phê duyệt và thực hiện việc giám sát một cách hiệu quả.
    Ông cũng đề xuất sửa tên Luật, thành Luật Khu kinh tế hành chính đặc biệt. Chúng ta nên dùng từ khu thay vì từ đơn vị như hiện nay cho phù hợp thông lệ quốc tế.

  • Trao quyền gắn với trách nhiệm

    Bà Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đặc khu. Ngoài ra, nhiều có nhà đầu tư đã đặt vấn đề bao giờ để có luật để đảm bảo để đầu tư.

    Luật áp dụng cho 3 đặc khu là có lý do. Cũng có nhiều nước đã áp dụng ban đầu cho một số đặc khu, có sự đầu tư nguồn lực, có sự thành công. Có sự định hướng, có luật áp dụng cho 3 đơn vị này phù hợp với hiến pháp, cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trong giai đoạn mới, không trái với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    Phương án tổ chức chính quyền địa phường, tôi đề nghị thực hiện theo phương án 1 vì có sự đổi mới, đột phá, phù hợp với tính chất của đặc khu.

    Theo bà Lan, trao quyền gắn với trách nhiệm sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của đặc khu.

    Việc không tổ chức không có HĐND nhưng không không giảm đi tính giám sát. Bởi còn có nhiều kênh từ Đảng, HĐND tỉnh, còn cơ chế đối thoại, công bố thông tin…

    Chính sách phát triển kinh tế xã hội quy định như dự thảo luật thu cần có sự vượt trội, cạnh tranh quốc tế.

    Đề án xây dựng đặc khu đã được xây dựng 5 năm qua, có sự tham gia của sự tư vấn hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản rồi sự góp ý của các ngành, các cấp. Quảng Ninh cũng xây dựng quy hoạch phát triển Vân Đồn. Quảng Ninh cũng đã mạnh dạn thu hút đầu tư đường cao tốc, sân bay… với tổng số 55.000 tỷ. Nhiều nhà đầu tư đã quan tâm và đăng ký. Vốn đăng ký để triển khai khi luật được thông qua lên đến 60.000 tỷ đồng.

  • ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng nếu không ban hành kịp thời luật, chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư, nhất là trong thời kỳ hội nhập. 

    Bà kiến nghị cần quyết liệt để luật này và các đề án được sớm thông qua.  Đại biểu đồng tình nội dung luật này áp dụng 3 khu vực là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Kiên Giang. 3 đơn vị này đại diện 3 khu vực Bắc - Trung - Nam tạo đột phá để phát triển kinh tế.

    Các địa phương cũng đã có tư thế chuẩn bị sẵn, có các bước, đã lấy ý kiến đồng thuận trong xã hội để chờ đợi bước triển khai kế tiếp.

    Phương án tổ chức chính quyền địa phương có nhiều đại biểu băn khoăn, bà thống nhất phương án 1. Chúng ta nên nghên cứu trong mối liên quan 2 điều 110 và 111 để xem có vi hiến hay không.

    Một số đại biểu băn khoăn phương án này có giám sát, lạm quyền hay không… Vấn đề giám sát đã cơ bản đảm bảo. Vấn đề giám sát đối với trưởng đơn vị, luôn được kiểm tra chỉ đạo của tổ chức tại đây.

    Cũng cần nghiên cứu tổ chức hệ thống về tư pháp. Cũng cần có nghiên cứu các tổ chức đảng đoàn, tổ chức xã hội.

    Việc thu hút phát triển nguồn nhân lực cần gắn đổi mới tiền lương, biến chế. Chúng ta cũng chưa có chính sách chủ động biên chế, chủ động tiền lương, có thể chủ động số lượng cấp phó phù hợp yêu cầu.

  • Cần lựa chọn thế hệ mô hình đặc khu

    ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận cần phải tính toán thêm. Về luật chung, luật riêng, cần tách riêng luật thành nghị quyết thành lập đặc khu đơn vị hành chính.

    Không thể có luật chung, luật riêng. Việc điều chỉnh sự thay đổi phải là nghị quyết chứ không phải là luật. Đơn vị hành chính của đơn vị thông thường khác gì đơn vị đặc biệt, cần phải nêu rõ là đặc khu.

    Ông lưu ý cần lựa chọn thế hệ mô hình đặc khu. Trên thế giới đã có 3 thế hệ mô hình đặc khu. Ở Mỹ, Trung Quốc đang thiết kế theo theo thế hệ thứ 3, nhưng dự thảo luật dường như chỉ là ưu đãi theo thế hệ thứ 2. Ông nhấn mạnh cần phải tính toán đến bất công xã hội, ô nhiễm môi trường. Không thể chỉ ưu đãi đầu tư, mà là cơ chế thông thoáng, bộ máy gọn nhẹ.

  • Vân Phong bao nhiêu năm vẫn ở dạng tiềm năng

    Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) trăn trở với thực tế Vân Phong bao nhiêu năm trong dạng tiềm năng, đến nay vẫn chưa phát triển.

    Với cảng nước sâu có tiềm năng rất lớn, Vân Phong đang cần chính sách để kêu gọi đầu tư để phát huy tiềm năng.
    Khánh Hòa đang nộp về ngân sách TW 28%. Trong vòng 10 năm, Khánh Hòa giảm nộp về chỉ còn 10%, giữ lại 18% để cho Vân Phong phát triển.

  • Đảm bảo chính sách vượt trội và cạnh tranh cho đặc khu

    Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sau phiên họp này, bộ sẽ phối hợp Ủy ban pháp luật để tiếp thu ý kiến đại biểu.

    Ông mong nhận thêm được các ý kiến khác của các đại biểu, kể cả những người không có mặt trong hội trường hôm nay để đảm bảo sự thành công của luật.

    Quoc hoi bat dau thao luan luat dac khu anh 6

    Tư lệnh ngành kế hoạch - đầu tư cũng giải trinh làm rõ một số nội dung.

    Về phạm vi điều chỉnh: Các khu vực của 3 đặc khu đều có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển một số ngành nghề cạnh tranh quốc tế. Việc lựa chọn dựa trên 10 tiêu chí. Với Việt Nam, đây là mô hình mới, cần triển khai một cách vững chắc, phù hợp với điều kiện ngân sách của đất nước. Trước mắt là 3 đặc khu, sau đó tiến hành tổng kết nhân rộng nếu có đủ điều kiện.

    Luật này sẽ cụ thể và luật hóa để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, mang tính pháp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Sau khi ban hành luật, sẽ có nghị quyết thành lập với 3 đặc khu.

    Quy hoạch của đặc khu cũng tích hợp các quy hoạch liên quan. Luật cho phép nhà đầu tư lập và triển khai quy hoạch nếu được cho phép. Luật cũng cho phép thuê nhà đầu tư quốc tế xây dựng quy hoạch. Quy hoạch sẽ phù hợp sự phát triển, phù hợp chuẩn mực quốc tế.

    Các chính sách phát triển kinh tế xã hội, dự thảo luật đảm bảo yêu cầu vượt trội với khu vực trong nước. Đảm bảo cạnh tranh các đặc khu kinh tế trên thế giới theo 9 tiêu chí khác nhau.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm