Ly ca là tập thơ tình có sức công phá. Ai đó thở dài, lại tình yêu ư? Thì sao? Nếu tìm được cách nói, câu chuyện tình yêu chẳng bao giờ sáo mòn.
Tập thơ của Đỗ Doãn Phương, nhà thơ, nhà báo quê làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, từng đoạt giải của Hội Nhà văn 2011 với tập thơ Hoan ca. Anh hiện là Phó tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa.
Ly ca của Đỗ Doãn Phương. |
Tập thơ tình có sức công phá
"- Chiếc ô tô đâm anh?
- Không, là anh truyền nỗi buồn han gỉ cho nó
- Lưỡi dao đâm anh?
- Không, là anh ứa máu độc lên nó
Anh cần một cái gì mạnh nữa
Để hất anh ra khỏi đời em".
(Ly ca 1)
Ly ca chỉ nói duy nhất một câu chuyện: Nỗi đau ly biệt của một người đàn ông. Lý do nào đó anh ta không được ở bên người tình, anh trở thành kẻ đi bên lề cuộc đời người tình và dõi theo bóng nàng vui vầy trong cuộc sống mới với chồng, con, ngôi nhà, chiếc giường, căn bếp.
Những khúc ly ca day đi dứt lại nỗi đau ấy ở nhiều không gian, nhiều bối cảnh, nhiều trạng thái, khiến người ta quá ư ngạc nhiên: Phải yêu thế nào mà đau được như thế?
“Một đêm đi qua đường
Thấy nhà em sáng rực
Chẳng hiểu sao anh cho xe chạy thật chậm
Rồi dừng hẳn lại
Tắt đèn cốt, đèn pha...
Cả người và xe lẫn trong bóng tối quanh nhà.
Anh lặng ngắm đời em trong ánh sáng tỏa ra từ bên trong".
(Ly ca 18)
Đọc thơ của Đỗ Doãn Phương sẽ thấy nhà thơ bước thẳng vào nỗi đau, trực diện với nó, không vờn quanh bằng những mây trời hoa lá. Các bài thơ thường giàu chất tự sự, kể một câu chuyện, một hoạt động sống của kẻ thất tình, nhưng luôn kết lại ở trạng thái “ngộp thở” bất ngờ, diễn tả mạnh mẽ rằng tình yêu và nỗi đau đã choán ngự toàn bộ cuộc đời người đàn ông ấy.
“Mặc quần áo khá tươm tất
Đến quán đó sớm hơn một chút
Chọn chỗ gần cửa sổ, anh chờ...
***
Cuộc hẹn đầu tiên kể từ khi em lấy chồng
Được nhìn thấy em trong bộ đồ mà anh chưa từng biết đến
Và những gì tấm thân em vừa đón nhận
Như dòng sông biếc xanh vừa trộn biển mặn mòi".
(Ly ca 12)
Cũng như Hoan ca hay Tuyệt ca, tập thơ Ly ca không chủ về những con chữ và âm điệu thổn thức, hổn hển, không quay cuồng cào xé với những tính từ lắt léo và động từ hùng hậu.
Ly ca là những con chữ chắc chắn, tự nhiên, đôi chút thô ráp, nhưng mạnh về ý tứ và cảm xúc, để có thể đi đến tận cùng của cảm giác biệt ly, của nỗi đau nặng trĩu, lẩn sâu nhưng gây choáng ngợp.
Vẻ đẹp của sự tận cùng
Đọc Ly ca nhận ra đây phải là tình yêu của một người đàn ông từng trải, anh ta không đập phá hay khóc than, không rượu say, chỉ lặng lẽ để cho nỗi đau ngấm vào toàn bộ cơ thể mình, cuộc sống mình, quan sát nó nghiền ngẫm nó như một cuộc chịu nạn.
Tranh vẽ nhà thơ Đỗ Doãn Phương. |
“Khi em thành người tình của họ
Anh đứng đó và tự hỏi:
Anh sẽ tiếp tục hôn em trong tưởng tượng ra sao?
Khi những người tình luôn úp mặt, quyện chặt vào nhau
Đến mức trong mơ anh cũng chỉ thấy lưng em và sau gáy.
Rồi em trở thành vợ họ...".
(Ly ca 15)
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi đọc tập thơ này thốt lên: "Lâu lắm rồi mới thấy người đàn ông (trong thơ) cổ điển và thuần khiết tới vậy, đau đớn vì người tình đã chồng con, và đau đi đau lại bởi vì mỗi chuyện ấy. Đến nỗi tôi còn nghĩ vui rằng cũng cô đấy, hay nhiều cô khác.
Cảm giác, yêu thôi chưa đủ, mà yêu đến cả hai con người thành một. Và mọi sự chia xa dù ở thể chất hay tinh thần, vết thương hở ấy cũng là quá sức".
Ly ca đặt tình yêu và sự chia lìa trong mối tương quan giữa con người và vũ trụ. Phần sau của tập thơ là khúc ca hư vô với ý niệm, rồi tất cả sẽ hóa thành cát bụi, sẽ tan vào vũ trụ và như thế những người yêu khi chết sẽ được về bên nhau.
Tập thơ Những ngọn triều nhục cảm (2008) của Đỗ Doãn Phương có phần rườm rà rối rắm. Đến Hoan ca (2011) đã là những lát cắt cuộc sống và cảm xúc tinh lọc, sắc gọn và bất ngờ hơn.
Tuyệt ca (2013) bàn về các “đại tự sự” là sinh - duyên - tuyệt, đậm mùi triết lý, dù có những bài lạ.
Ly ca, sau một quãng nghỉ dài, là sự tiếp nối nguồn mạch và phong cách của Hoan ca. Lần ngược về Hoan ca ta bắt gặp bài thơ “Lời thì thầm của đôi tình nhân” - thì thầm mà lại quá ư ào ạt:
“Sau cuộc yêu họ nói với nhau:
- Em hãy ngửa đầu ra phía sau cho anh nhìn thấy bầu trời ở bên trên chúng ta
- Em hãy nghiêng người cho anh nhìn thấy rặng cây ở bên phải và bên trái
- Chúng ta hãy tắt đi những âm thanh của mình, để cùng nghe những âm thanh khác
- Hãy che lấp sự sống của mình, để cùng cảm nhận sự sống xung quanh
- Chúng ta hãy ra ngoài kia, hít thở bầu trời bao la
- Những hàng cây đổ ngược xuống dòng sông và mây trên trời cũng theo xuống dưới đó
- Chúng ta sẽ uống no nê từ dòng sông, và rồi chạy tiếp lên đồi cây
- Vừa chạy vừa găm vào thân thể mình những lá, hoa, đá, sỏi
- Và buổi chiều khi cơ thể chúng ta đã no đầy trở lại
- Chúng ta sẽ đổ thêm một ngày khô kiệt nữa cho nhau".
Nếu yêu đến vắt kiệt bản thân như thế thì khi xa lìa mới thực là đau. Tuy thế Hoan ca vẫn là tập thơ của nhiều thanh âm, chỉ đến Ly ca Đỗ Doãn Phương mới tập trung vào một điểm và đẩy cảm xúc lên cung bậc cao nhất.
Bởi Ly ca cho ta thấy vẻ đẹp của sự tận cùng.