Mang trái tim ngựa hoang lên núi - thả vào lời cồng chiêng ngân vang.
Gió lồng lộng đỉnh đồi nắng chói - mây theo em qua tận cổng trời...
Vó ngựa hoang ruổi rong bật máu - bờm dựng cao mắt tóe quầng sao.
Nắng thiêm thiếp nằm xuôi dưới vó - ngày hồng hoang thời gian xanh rêu...
Lửa khao khát cháy sôi lồng ngực - nửa bầu trời nghiêng xuống tim đau.
Em ngồi gõ lời ru nương rẫy - lời của rừng của thác xôn xao...
Em một mình đi rong trên phố - vó ngựa buồn lục lạc không rung.
Đến núi cao chỉ nghe lời gió - khắc khoải thầm tình yêu còn không?
Phố bụi đỏ làm hoen ánh mắt - chiều âm thầm nhỏ giọt mưa mau.
Tiếng chim cô quạnh than buồn quá - nỗi giận hờn đăm đắm buồn theo...
Đêm hun hút trong từng chén rượu - ta nhìn nhau nhìn nhau nhìn nhau.
Môi khô đón nụ hôn thánh thiện - một chút trăng u tịch cúi đầu...
Một chút trăng sáng lời tha thứ - vó ngựa qua thềm thôi nhói đau...
Lời bình
Bài thơ của Phạm Thị Ngọc Liên có thể gợi cho người đọc về một nữ thi sĩ khác – Nhã ca (Trần Thị Thu Vân). Cũng có thể, Nhã ca núi gợi nhắc một cuốn sách thơ ca viết về tình yêu xuất hiện trong Kinh Thánh (sách Nhã ca). Tuy nhiên, có lẽ trong tâm cảm nhà thơ, sự thể không quá xa xôi như thế, Nhã ca núi là khúc ca tình ái đẹp, tao nhã, nơi núi cao.
Lựa chọn hình thức văn bản với cách kết hợp như văn xuôi, Phạm Thị Ngọc Liên đã định hình cảm xúc và suy tư của mình theo dòng tự sự. Nghĩa là kể lại một câu chuyện, một diễn biến trong tâm tưởng. Tuy nhiên, người đọc vẫn nhận ra nhịp điệu của cảm xúc, vốn là đặc thù của thơ trữ tình.
Dường như, đã có một sự đổ vỡ trong tình yêu, làm trái tim ngựa hoang u buồn, câm nín. Dường như, đã có một lãng quên, nằm thiêm thiếp dưới bóng thời gian. Phố và em, những âm thầm rời rạc, những lặng lẽ cúi đầu, những giận hờn đăm đắm đẩy bước chân về phía đêm hun hút. Tình yêu còn không?
Nhã ca núi có cấu trúc hình sin, trong khoảnh khắc. Cũng có thể mô tả như nhịp điệu của một trái tim với những quãng lên xuống bất thường và bình lặng. Lên núi cao, nghe lời mây, lời gió, lời rừng, lời thác; nghe lời ru nương rẫy và sâu thẳm là lời của tình yêu trước mênh mông vô biên.
Những xôn xao, khắc khoải dần lắng lại, nhịp điệu của bài thơ trở về bình lặng dưới bóng trăng u tịch. Trở về bên thềm, những nhói đau dường như cũng được xoa dịu. Sau Nhã ca, có thể là một "Khải huyền".