Bỏ quên đôi cánh trên trời
Em về mặt đất làm loài phù du
Tưởng cho ta cả thiên thu
Hoá ra một chút sương mù trên tay
***
Người đi ta ở phương này
Phố cao trời rộng nhớ ngày lang thang
Sáng trưng mấy dặm hoa vàng
Ngẩn ngơ màu áo nữ hoàng ngày xưa
***
Hương thông nồng ấm sau mưa
Tìm đâu mùi tóc ngày chưa biết người
Em nay mãi tận bên trời
Sao ta nghe vọng tiếng cười trong cây
***
Người còn giấu bóng quanh đây
Cỏ ven hồ giấu gót giày đi qua
Giấu vai sau ngực thiên nga
Màu môi thắm giấu trong hoa anh đào
***
Ngậm ngùi ta hỏi non cao
- Trần gian ơi, về phương nào hoa bay?
Cho ta tìm lại một ngày
Một bông hồng nở trên tay một người
***
Em dù khát vọng khôn nguôi
Dấu ta thôi cũng mây trôi tuyệt mù
Nửa chừng ngoảnh lại thiên thu
Người phù du ta phù du với người
Lời bình
Thế giới nghệ thuật của một bài thơ tình thông thường được tạo dựng bởi ba trụ cột, ba đối cực xoay quanh hạt nhân yêu. Đó là cái tôi trữ tình - người tình - thế giới (ý của Nhà phê bình Chu Văn Sơn). Ba đối cực này vận hành, xoắn luyến với nhau bởi nguồn yêu (cũng có khi là nguồn đau) sản sinh năng lượng thi ca.
Trong bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái tôi trữ tình đang yêu hiện lên rất rõ với khát vọng thiên thu từ lúc bắt gặp người tình. Thế nhưng, khát vọng đó không thành. Thiên thu bỗng hóa chút sương mù trên bàn tay bởi định mệnh mang tên phù du.
Người tình là hình ảnh phóng chiếu của cái tôi trữ tình. Đúng hơn, đó là đối ảnh của một đam mê luyến ái. Màu áo nữ hoàng, mùi tóc ấm, ngực thiên nga, màu môi thắm… tưởng đã cùng ta thiên thu hóa một lần gặp gỡ. Ngờ đâu, tất cả đã tuyệt mù theo dấu mây trôi.
Thế giới luyến ái khoác lên mình màu của cuộc yêu, dẫu hạnh phúc hay đớn đau, trùng phùng hay ly biệt. Từ vệt cỏ ven hồ đến sắc hoa anh đào, từ phố cao trời rộng đến mấy dặm hoa vàng, từ bông hồng trên tay giai nhân đến vời vợi non cao… đã chứng kiến những hi vọng trở thành tuyệt vọng. Trần gian, trong mộng ái tình, chưa bao giờ là thiên thu.