Mơ em chiều nghiêng
anh đứng mơ em
mơ em muộn phiền
nắng xiên bóng nắng
mơ em triền miền
ngày dài đằng đẵng
say đắm mơ em
say đắm môi em
mơ em nhá nhem
lấm lem chập choạng
mơ em miền hoang
cỏ tàn miên man
chứa-chan-mơ-em
mơ-tràn-vũng-nhớ
lặng yên mà thở
thinh không mơ em
âm câm mơ em
viển vông chậm bước
anh mải mơ em
mơ em bên người
bên người em đi
giật anh tỉnh giấc
ôi em đi thật
mơ em
mơ
em.
Lời bình
Dương bản hóa một giấc mơ thực sự là điều không dễ. Bởi lẽ, khi thuật lại giấc mơ, lý trí đã lẻn vào để tổ chức thế giới ấy theo trật tự mà nó có thể kiểm soát. Điều đó làm cho những gì hiện ra có nguy cơ phản bội lại chính giấc mơ!
Mơ em của Nam Thi có phải là một giấc mơ? Thật may, đằng sau sự sắp xếp chữ nghĩa có phần lơi lỏng, tán lạc, chúng ta vẫn nhận ra những chập chờn đứt nối, thoáng hiện thoáng tan của thế giới vô thức.
Bài thơ không cố để diễn đạt câu chuyện mà bám theo cảm giác, tâm trạng. Mơ em, say em, muộn phiền, triền miên, đằng đẵng, nhá nhem, chập choạng, hoang vu, miên man, chứa chan, viển vông… là vệt lân tinh trong bóng tối của vô thức. Khoảng cách giữa những vệt sáng tương đối gần nhau, tạo nên nhịp điệu, hơi thở khá nhanh, gấp gáp và có phần thảng thốt của giấc mơ.
Đối cực của giấc mơ hạnh phúc luôn là nỗi âu lo bất hạnh. Càng đắm say mơ mộng lại càng ám ảnh tan vỡ. Bài thơ kết lại nơi nhói buốt nhất của cơn mơ: bên người em đi. Giấc mơ mãi mãi chỉ là giấc mơ, và có thể, sẽ còn chìm sâu hơn nữa, một “em” mù xa trong tận cùng vô thức.